TRIỀU TIÊN – QUÂN CỜ CHÍNH TRỊ CỦA CÁC CƯỜNG QUỐC?

MỞ ĐẦU

Trong thế kỷ XXI, có lẽ hiếm sự kiện quốc tế nào luôn mang tính thời sự nóng bỏng và kéo dài như vấn đề Triều Tiên. Hàng loạt vụ thử hạt nhân làm chấn động giới quan sát, các vụ phóng tên lửa ra biển Nhật Bản đẩy căng thẳng tại khu vực lên mức báo động, những cuộc đàm phán được cả thế giới dõi theo, các loại vũ khí mới được Bình Nhưỡng ra mắt bao gồm cả các ICBM mang đầu đạn hạt nhân đưa bờ Tây Hoa Kỳ vào tầm bắn… khiến cho Triều Tiên luôn nhận được sự quan tâm đáng kể trên toàn cầu. Nhìn vào vấn đề Triều Tiên, người ta còn thấy một hiện thực về triển vọng u ám cho sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên do những bất đồng khó có thể hóa giải giữa hai phía về vấn đề hạt nhân, cũng như về kinh tế, chính trị, đối nội và đối ngoại. Vậy, các quốc gia trên thế giới mà đặc biệt là các cường quốc Nga, Trung Quốc và Mỹ nhận định thế nào về Bình Nhưỡng, và điều đó có tác động ra sao đến cách tiếp cận của họ trong vấn đề Triều Tiên? Đặt trong bối cảnh thế giới nơi “bàn cờ nước lớn” đang diễn ra, Triều Tiên, với kho vũ khí răn đe chiến lược của mình mà nòng cốt là lực lượng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, sẽ nằm ở đâu trên đó?

TRUNG QUỐC

Trong số các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc có lẽ là quốc gia có nhiều mối liên hệ nhất với Triều Tiên cả về kinh tế, chính trị, lịch sử. Trong lịch sử, Triều Tiên là một quốc gia nằm trong hệ thống chư hầu và nhận được sự bảo hộ đến từ của các triều đại Trung Quốc. “Thiên triều” từng nhiều lần đưa quân sang bán đảo Triều Tiên để cứu viện vương triều Joseon chống lại các thế lực nước ngoài. Điển hình là việc nhà Minh đem quân chống lại các Samurai dưới thời lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi hay nhà Thanh đem quân chống lại lực lượng của Đế quốc Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895). Gần nhất là Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đã gửi lực lượng Chí nguyện quân sang “kháng Mỹ viện Triều” trong cuộc chiến tranh Triều Tiên[i].

Trong suốt nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Triều Tiên vẫn luôn là một đồng minh chiến lược đối với Trung Quốc. Nước này luôn ủng hộ Trung Quốc trong nhiều vấn đề quốc tế và đôi bên vẫn luôn giữ một mối liên hệ chặt chẽ về chính trị. Cả 2 thường tổ chức những chuyến viếng thăm giữa các phái đoàn cao cấp, thậm chí chính  lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un còn từng thực hiện 4 chuyến thăm đến Trung Quốc chỉ trong 2 năm 2018 và 2019 – giai đoạn nước này đang có các cuộc đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn là đối tác kinh tế hàng đầu của Triều Tiên về  thương mại song phương vào năm 2022 đạt mốc hơn 1,03 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ phía Trung Quốc đã lên tới 894 triệu USD[ii]. Điều này cho thấy quan hệ với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng với Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh quốc gia này chịu sự cấm vận ngặt nghèo đến từ Mỹ và các quốc gia phương Tây.

Ngược lại, nhờ vào việc sở hữu vị trí địa chiến lược hết sức trọng yếu và cùng chia sẻ các giá trị nền tảng xã hội chủ nghĩa, Triều Tiên đã dần trở thành một đồng minh quan trọng trong thế giới quan của Trung Quốc. Do cùng theo hệ thống Xã hội chủ nghĩa, Triều Tiên được Trung Quốc xem như một lá chắn vững chắc ở phía Đông Bắc nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ và các quốc gia đồng minh trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng Triều Tiên như một con bài nhằm mặc cả với Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Cụ thể, Mỹ có thể nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan nhằm đổi lấy sự tác động của Trung Quốc vào quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Do là đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên,  việc Trung Quốc ủng hộ và thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên có thể tạo ra sức ép đối với Bình Nhưỡng  để  ngồi vào bàn đàm phán phi hạt nhân hóa. Bên cạnh đó, ]tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên cũng giúp phân tán sự tập trung của Mỹ ở Đông Bắc Á, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Một kịch bản ngược lại đã xảy ra trong lịch sử khi cuộc chiến tranh Triều Tiên đã làm đảo lộn kế hoạch tấn công thu hồi Đài Loan của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, buộc nước này phải điều quân sang cứu viện Triều Tiên khỏi cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh. Do đó, trong thế kỷ XXI, một viễn cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên  buộc Mỹ  phải chuyển sự tập trung của mình khỏi eo biển Đài Loan là điều có thể xảy ra.

Trong các cuộc Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 và 2019, Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng khi là bên thúc đẩy và hỗ trợ các nỗ lực đàm phán của cả Mỹ và Triều Tiên. Nước này cũng tạo điều kiện thuận lợi về việc di chuyển cho  lãnh đạo Kim Jong Un trong cả hai chuyến đi. Trong Hội nghị thượng đỉnh lần đầu vào năm 2018, ông đã sử dụng một chuyên cơ của hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China, còn ở lần thứ hai vào năm 2019, chuyến tàu bọc thép của lãnh đạo Triều Tiên lại có một lộ trình rất dài đi dọc theo lãnh thổ Trung Quốc. Sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với một thỏa thuận hòa bình giữa Washington và Bình Nhưỡng xuất phát từ những tính toán lợi ích của quốc gia này. Theo đó, Mỹ có thể cắt giảm sự hiện diện của lực lượng quân sự ở Hàn Quốc – vốn là một mối đe dọa chiến lược đối với Trung Quốc, bởi đây là điều kiện tiên quyết do Triều Tiên đặt ra để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo. 

Thế nhưng, Trung Quốc cũng có những bất đồng nhất định với Triều Tiên, đặc biệt là trong vấn đề hạt nhân. Một Triều Tiên nắm trong tay vũ khí hạt nhân sẽ làm tình hình khu vực trở nên khó kiểm soát và là nguồn cơn dẫn đến xung đột giữa nước này với các cường quốc trong khu vực trong tương lai. Bên cạnh đó, điều này còn có thể làm cho Triều Tiên trở nên ngày càng độc lập hơn với Trung Quốc và vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của nước này. Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại với các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, thậm chí còn chỉ trích và ủng hộ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc trước các động thái leo thang căng thẳng của Triều Tiên thông qua các vụ thử tên lửa đạn đạo và bom nhiệt hạch của Triều Tiên năm 2017[iii]. Chính những quan ngại về vấn đề hạt nhân của Trung Quốc đã đẩy mối quan hệ giữa nước này với Triều Tiên sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí chính Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) năm 2017 còn chỉ trích và cho rằng những lời kêu gọi trừng phạt Triều Tiên cứng rắn hơn “của một số chính trị gia và nhân vật truyền thông thiếu hiểu biết” tại Trung Quốc đều dựa trên “chủ nghĩa bá quyền của nước lớn”. Nước này cho rằng việc Trung Quốc thực thi và ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc chính là những hành động đi ngược lại với mối quan hệ đồng minh truyền thống và đang gây sức ép lên Bình Nhưỡng nhằm phục vụ lợi ích của chính Bắc Kinh.

Nhìn chung, tuy là đồng minh truyền thống và có lịch sử gắn bó mật thiết nhưng giữa Trung Quốc và Triều Tiên hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng. Đặc biệt là liên quan đến vấn đề hạt nhân vốn gây nhiều căng thẳng trong khu vực. Mặc cho những bất đồng về an ninh, việc Trung Quốc buông tay Triều Tiên dường như là viễn cảnh khó thành hiện thực trong tương lai gần bởi những liên kết sâu sắc về địa chính trị và ý thức hệ song phương. Những lợi ích mang tính chiến lược giữa hai nước đã tạo ra một mối quan hệ gắn kết, tuy nhiên việc mục tiêu chiến lược của cả hai lại không hề giống nhau lại tạo ra những toan tính riêng của cả hai trong các nước đi của mình. Có lẽ cụm từ “đồng sàng dị mộng” sẽ thích hợp khi nói về mối quan hệ giữa hai quốc gia Đông Bắc Á này.

NGA

Chuyển mình về phía tây bắc, Cộng hòa Liên bang Nga hiện lên trong thế giới quan của ông Kim Jong-un như một đối tác chiến lược quan trọng của Triều Tiên. Hai quốc gia vào những năm gần đây đã có các động thái nhằm thúc đẩy quan hệ song phương về cả thương mại lẫn ngoại giao, đặc biệt là từ sau cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga – Triều diễn ra vào năm 2019 ở thành phố cảng Vladivostok, vùng Viễn Đông nước Nga. Thông qua hàng loạt hành động tăng cường liên kết giữa hai nước, CHDCND Triều Tiên bày tỏ mong muốn hợp tác với chính quyền ông Putin để đối phó với những thách thức từ bên ngoài, đặc biệt từ Mỹ và các nước đồng minh phương Tây thân cận.

Ngược dòng lịch sử, từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), mối quan hệ “đồng minh tạm thời” giữa Triều Tiên với Nga (trước đây là Liên Xô) đã chứng kiến nhiều biến động thăng trầm theo thời gian. Sau chiến tranh, Liên Xô tiếp tục cung cấp những gói viện trợ về mặt kinh tế và quân sự cho Triều Tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Quan hệ hai bên tiếp tục được thắt chặt hơn nữa khi vào năm 1961, ông Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và  lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, trong đó Moscow cam kết bảo vệ Bình Nhưỡng trong trường hợp bị tấn công. Thế nhưng, mối quan hệ tưởng chừng như hữu hảo dài lâu bắt đầu có dấu hiệu lung lay vào năm 1990, khi Tổng thống M.Gorbachev lên cầm quyền và bắt đầu nới lỏng quan hệ với CHDCND Triều Tiên để bình thường hóa quan hệ với Đại Hàn Dân Quốc Bình Nhưỡng ngay sau đó đã phản ứng gay gắt và coi đây là “sự phản bội Chủ nghĩa Xã hội”. Quan hệ Xô – Triều cũng vì thế mà bắt đầu trở nên xấu đi. Đến năm 1991, Liên Xô tan rã, Liên bang Nga – quốc gia kế tục Liên Xô – đã chuyển hướng sang cải cách kinh tế, mở cửa với các nước phương Tây và đồng minh, đồng thời giảm viện trợ cho Triều Tiên. Tình hình chuyển biến phức tạp khi năm tiếp theo, Tổng thống Boris Yeltsin quyết định ngừng gia hạn hiệp ước liên minh quân sự với Bình Nhưỡng và cắt viện trợ cho nước này, tuyên bố thỏa thuận này chỉ “tồn tại trên giấy tờ[1] “[2] [iv]. Sự cắt giảm viện trợ từ Nga, cùng với trình độ quản lý kinh tế yếu kém và những hậu quả nặng nề do các trận lũ lụt và hạn hán để lại đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế ở quốc gia này, khiến hàng trăm ngàn người chết đói vì trước đó, Liên Xô vốn là nguồn viện trợ chính cho Triều Tiên. Phải đến những năm 2000, khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền thì mối quan hệ Nga – Triều mới bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Trong nhiệm kỳ của mình, Putin đã tích cực tìm cách khôi phục quan hệ giữa Moscow với Bình Nhưỡng, tái khẳng định cam kết “hợp tác trong các vấn đề cấp bách của chương trình nghị sự song phương và khu vực” cũng như ký kết nhiều thỏa thuận nhằm củng cố mối quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Với ông, Triều Tiên là một đồng minh, một quốc gia có thể đem lại lợi ích cho Nga ở khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến hạt nhân. Nếu như trong quá khứ, Nga có thái độ ủng hộ việc thông qua các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân thì hiện tại, Moscow dường như đã khoan dung hơn đối với chính quyền ông Kim về vấn đề này. Trong một tuyên bố mới đây, Điện Kremlin khẳng định sẽ không “đứng ngoài” tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nước này đã nhiều lần đóng vai trò như một “nhà thương lượng” giữa phương Tây và Triều Tiên để giải quyết những bất hòa xoay quanh vấn đề nhạy cảm này. Nga cho rằng, bất cứ một sự can thiệp vũ trang hoặc nổ súng trong khu vực này đều có thể tác động trực tiếp lên yếu tố địa chính trị, hợp tác kinh tế và an ninh hạt nhân của Nga, đặc biệt là ở vùng lãnh thổ Viễn Đông. Chính vì thế, đối sách của Nga đối với Triều Tiên luôn hướng đến mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định khu vực nhằm bảo toàn những lợi ích chiến lược và thiết thực của Nga về an ninh, kinh tế và chính trị tại khu vực này.

Đồng thời, Nga cũng xem Triều Tiên là một đối tác quan trọng khi cả hai nước đều có chung một đường biên giới và chiều dài lịch sử hợp tác phong phú. Triều Tiên nằm ở cửa ngõ của eo biển Triều Tiên, nơi có tuyến đường thủy huyết mạch giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Đây là một tuyến đường vận tải quan trọng cho cả Nga và thế giới. Về phía Triều Tiên, nước này đẩy mạnh quan hệ với Nga không nằm ngoài vấn đề viện trợ kinh tế. Bình Nhưỡng cũng muốn tái khẳng định quan hệ vững chắc từ lịch sử, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ từ Moscow sau chuyến thăm Nga vào tháng 9 năm 2023 của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Dù Moscow và Bình Nhưỡng không công bố bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết trong chuyến thăm nhưng theo nhận định của các chuyên gia, chuyến công du hiếm hoi của nhà lãnh đạo họ Kim đã củng cố thêm quan hệ giữa Triều Tiên với Nga giữa lúc hai nước phải đối mặt nhiều thách thức từ phương Tây. Việc người đứng đầu Triều Tiên về nước với cam kết của Nga trong việc hỗ trợ chương trình không gian có thể giúp nước này có thể đạt được mục tiêu lâu dài là đưa vệ tinh lên quỹ đạo, từ đó xây dựng mạng lưới vệ tinh quân sự giám sát mọi động thái của quân đội Mỹ cùng đồng minh trong khu vực. Với việc phát triển quan hệ với Nga, Triều Tiên có thể từng bước thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc – một “đối tác truyền thống và lâu đời” của nước này – từ đó có thể trở nên độc lập và phát triển toàn diện hơn với thế giới bên ngoài.

Hiện tại, Liên bang Nga đang rơi vào tình trạng bị Mỹ và các quốc gia phương Tây cấm vận, cô lập và trừng phạt nghiêm ngặt trên nhiều lĩnh vực, khiến quốc gia này dường như rơi vào cảnh ngộ tương tự như Triều Tiên. Chính điều này đã vô hình trung tạo nên một cuộc hội ngộ giữa hai nước láng giềng cùng cảnh ngộ, buộc Nga phải tìm cách đẩy mạnh mối quan hệ này để phá vỡ những tảng băng bao vây, cấm vận nếu không muốn bị gạt hoàn toàn khỏi chính trường quốc tế. Theo cáo buộc từ Nhà Trắng và phương Tây, trong chiến dịch quân sự đặc biệt giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ một năm trước, Triều Tiên đã cung cấp đạn dược và vũ khí cho Nga, ngược lại, Nga cũng bán các hệ thống vũ khí tiên tiến và viện trợ kinh tế cho Triều Tiên. Các gói hỗ trợ từ Moscow có thể giúp Bình Nhưỡng duy trì sự ổn định kinh tế và an ninh quốc phòng. Nhìn nhận từ một góc độ nào đó thì chiến sự lần này là cơ hội để cả hai bên thúc đẩy mối quan hệ của mình hơn nữa khi một mặt, ông Kim được kỳ vọng có thể đem về những lợi ích kinh tế và công nghệ quân sự cho đất nước mình, mặt khác, Putin có thể có đạn dược – thứ mà ông đang rất cần từ tay Triều Tiên – cho cuộc chiến ở Ukraine. Việc làm nóng lại quan hệ với quốc gia có chung cảnh ngộ dường như là một phương thức hữu hiệu giúp Nga có thêm sức mạnh để đối đầu với những chính sách cấm vận ngặt nghèo từ Mỹ và đồng minh. Dù quan hệ song phương đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây nhưng ở một chiều hướng khác, có quan điểm cho rằng đôi bên vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, căng thẳng và đây chỉ đơn thuần là một mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau để tìm về lợi ích riêng. Mặc dù Bình Nhưỡng luôn hoan nghênh cành ô liu mà Moscow đã chìa ra, chính nước này cũng đang tìm cách đối phó với sự can thiệp ngày càng tăng của Nga vào cuộc khủng hoảng ngoại giao vốn đã rất phức tạp. Và tương tự như phần còn lại của thế giới, sự phổ biến vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên vẫn là một mối lo của Nga, nhất là khi khu vực thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nằm cách Vladivostok chỉ 200 dặm.

Tựu trung, Nga – Triều được đánh giá là những người bạn, những người đồng minh thông thường khi cả hai bên đều có được những lợi ích cụ thể trong việc duy trì mối quan hệ này. Nga cần Triều Tiên để gây sức ép đối trọng với Mỹ và Hàn Quốc trong khu vực, trong khi Triều Tiên cũng cần sự ủng hộ của Nga trên trường quốc tế. Đồng thời, ẩn sâu trong đường đi nước bước của mỗi bên là những toan tính riêng mang tính chiến lược. Nga có thể củng cố vị thế của mình ở khu vực Đông Bắc Á nói riêng và trên thế giới nói chung thông qua chiếc bàn đạp là chương trình hạt nhân và tên lửa Bình Nhưỡng. Chính quyền ông Kim cũng có được tính chính danh về mặt chính trị trên trường quốc tế khi sau lưng là sự ủng hộ của một cường quốc hạt nhân như Nga trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng, an ninh, từ đó quốc gia này có thể dần thoát khỏi cái mác “kẻ ngoài lề” trong quan hệ quốc tế hiện đại.

MỸ

Bên cạnh Trung Quốc và Nga thì Hoa Kỳ, hiển nhiên, nhìn nhận vấn đề Triều Tiên dưới một con mắt khác biệt hoàn toàn. Mặc cho thực tế rằng cả Bắc Kinh và Moscow đều có những mối quan ngại đáng kể đối với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, hướng chủ đạo trong cách tiếp cận của Trung Quốc và Nga vẫn là thân thiện. Hợp tác song phương và tương trợ trong các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị tới quốc phòng giữa ba quốc gia này làm lấn át sự tham gia của Nga – Trung vào các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc áp đặt lên Triều Tiên. Mối quan hệ Trung – Triều là “đồng minh” trên nhiều mặt và ở một mức độ nào đó, mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moscow cũng là tương tự. Ngược lại, đối với người Mỹ và các đồng minh phương Tây, Triều Tiên hiện lên như một mối hiểm họa tiềm tàng không chỉ đối với an ninh quốc tế mà còn là trật tự phổ quát mà thế giới chia sẻ. Hơn thế nữa, hướng tiếp cận trong đường lối và chính sách đối nội, đối ngoại mà Bình Nhưỡng đã và đang theo đuổi luôn thách thức mạnh mẽ vai trò lãnh đạo và trật tự thế giới mà Washington mong muốn thiết lập.

Nguyên nhân chính cho căng thẳng Mỹ – Triều nằm ở chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Hoa Kỳ mong muốn xác lập trật tự tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong khi khả năng phòng vệ dựa trên răn đe hạt nhân của Triều Tiên nhiều lần thách thức hướng đi này của Washington cùng phổ quát mà người Mỹ dày công xây dựng. Có thể nói rằng, năng lực hạt nhân của Triều Tiên là nhân tố giúp cho quốc gia này phần nào đó hạn chế ảnh hưởng của bá quyền mà Hoa Kỳ áp đặt lên khu vực. Dưới góc nhìn từ phương Tây, những lợi ích từ việc duy trì một hệ thống quốc tế an ninh và ổn định ở Đông Bắc Á nơi Mỹ muốn đóng vai trò dẫn dắt cũng bị đe dọa bởi những bất ổn leo thang từ phía Triều Tiên. Hoa Kỳ, cũng như các đồng minh thân cận của Washington hưởng lợi từ hệ thống này, tất nhiên không mong muốn hiện thực đó.

Việc Triều Tiên mang hệ thống chính trị và đi theo ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa đối lập với Washington cũng là một nguyên nhân cho xu thế đối đầu Mỹ – Triều. Dù cho “chuỗi domino” trong tư duy của người Mỹ đã sụp đổ cùng với Liên Xô và bức tường Berlin, mối lo ngại dành cho Triều Tiên có lẽ vẫn còn đó. Kể từ chiến tranh Triều Tiên, Bắc Hàn đã luôn là cái gai trong mắt của Hoa Kỳ khi tồn tại như một thành trị còn lại của Chủ nghĩa Xã hội với nhiều giá trị cùng chia sẻ với Trung Quốc, trong khi trước đây còn được xem như là một thực thể ủy nhiệm của Liên Xô tại Đông Bắc Á. Sau khi “nền hòa bình tạm thời” lặp lại trên bán đảo Triều Tiên, Hoa Kỳ cũng luôn là quốc gia đi đầu trong các nỗ lực trừng phạt lên Bình Nhưỡng với các lệnh bao vây cấm vận đơn phương hay đa phương. Với vai trò của một siêu cường toàn cầu và thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Washington cũng có ảnh hưởng lớn đến các quyết định trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên kể từ năm 2006.

Hướng tiếp cận của Hoa Kỳ cùng các đồng minh phương Tây trong vấn đề Triều Tiên là khá rõ ràng: tìm kiếm một giải pháp phi hạt nhân hóa hoàn toàn cho bán đảo Triều Tiên, trong khi cố gắng kiềm tỏa nỗ lực phát triển và mở rộng kho dự trữ hạt nhân của quốc gia này. Dù thông qua các giải pháp khác nhau và mức độ quyết liệt khác nhau qua từng thời kì đối với từng nước, hành động của Mỹ và các quốc gia thân Mỹ nhìn chung đều hướng đến mục tiêu này. Mặc dù quan điểm của Nhà Trắng đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã thay đổi không ít lần kể từ sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng vào năm 2006, các nỗ lực ngoại giao về vấn đề Triều Tiên của Washington đều hướng về mục tiêu cao nhất là một cuộc giải giáp hạt nhân. Trong suốt quá trình đó, duy trì và áp đặt thêm các lệnh cấm vận cùng với các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa diễn ra song song là lối tiếp cận “truyền thống” của Hoa Kỳ. Trên lý thuyết, các lệnh trừng phạt nặng nề sẽ khiến cho việc theo đuổi dự án hạt nhân của Triều Tiên trở nên trì trệ do thiếu kinh phí và công nghệ cần thiết; trong khi các nỗ lực đàm phán sẽ trao cho Bình Nhưỡng một số quyền lợi, trong đó có nới lỏng các lệnh cấm vận nhằm đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng chế tạo và giải trừ một phần hay toàn bộ kho vũ khí hạt nhân. Dẫu trên thực tế, hiệu quả của cuộc trao đổi này vẫn còn đặt ra nhiều câu hỏi lớn.

Bài học hiện hữu từ Libya dưới thời Muammar al-Gaddafi cũng như Iraq của Saddam Hussein vẫn còn đó, và Triều Tiên ắt hẳn nhận thức rõ ràng rằng lời hứa hẹn về hòa nhập quốc tế và ủng hộ kinh tế từ Mỹ cùng đồng minh là mơ hồ và đáng ngờ vực như thế nào. Bằng chứng là, Chính quyền ông Kim Jong-un luôn duy trì cảnh giác cao độ, thậm chí gọi viện trợ nước ngoài là “kẹo độc” tuy vẫn thường xuyên dùng căng thẳng leo thang “hút” viện trợ nhằm giải quyết vấn đề trong nước. Ở phía sau cuộc giải giáp hạt nhân mà Mỹ và phương Tây sắp xếp cho Triều Tiên, liệu rằng bản chất của những lợi ích to lớn đó là thiện chí, hay là “chiếc bánh vẽ” tạm thời nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí phòng vệ quan trọng nhất của mình? Sau khi Triều Tiên hoàn thành quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân, không gì có thể đảm bảo sự an toàn của chính phủ ông Kim Jong-un khỏi sự tái can thiệp của bên ngoài vào quốc gia của mình. Và, liệu Hoa Kỳ có sử dụng lí do Bình Nhưỡng “có dấu hiệu theo đuổi chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt” trở lại để can thiệp quân sự vào Triều Tiên  như đã từng xảy ra ở Libya hay không lại một câu hỏi lớn khác. Khi Triều Tiên không còn đứng dưới chiếc ô bảo vệ hạt nhân của Liên Xô và vai trò “đồng minh” phòng thủ của Trung Quốc là không hoàn toàn đáng tin cậy, Bình Nhưỡng hiểu rằng chỉ bằng con đường duy trì lực lượng răn đe hạt nhân của mình, sự sống còn của quốc gia mới được bảo toàn. Hủy bỏ kho vũ khí chiến lược này nhằm đổi lấy lợi ích về kinh tế bởi vậy là khó chấp nhận với Triều Tiên khi chưa nhận được một sự cam kết chắc chắn đến từ Mỹ.

Chính sự bất đồng về hướng tiếp cận trong vấn đề giải trừ một phần hay toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã dẫn tới thất bại khó tránh khỏi của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai tại Hà Nội năm 2019. Trong khi Triều Tiên sẵn lòng hoàn thành tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon – một trong những cơ sở hạt nhân quan trọng nhất của quốc gia này – nhằm đổi lấy sự dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thì phía Hoa Kỳ lại kỳ vọng vào một cuộc giải trừ hạt nhân hoàn toàn. Mặc dù mang theo rất nhiều kỳ vọng từ tất cả các bên, cũng như đã tiến rất gần đến một thành công đối ngoại về vấn đề phi hạt nhân hóa, thành tựu của cuộc đàm phán tại Hà Nội vẫn là con số không. Việc dỡ bỏ một cơ sở hạt nhân thiết yếu có thể là bước đệm hoàn hảo để hai bên tìm được thêm tiếng nói chung và xây dựng sự tin tưởng, nhưng sự vội vàng trong hướng tiếp cận của hai bên đã khiến cho triển vọng này đổ vỡ.

Nhìn lại lịch sử, những bất đồng trong việc tìm ra giải pháp chung của Mỹ-Triều cho tình trạng căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng cho thấy tính thiếu hiệu quả trong đường lối ngoại giao của Washington về vấn đề này. Sau khi thất bại trong đối ngoại về vấn đề Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và để cho Triều Tiên thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên, Nhà Trắng phải dịch chuyển hướng tiếp cận của mình sang “nhẫn nại chiến lược” trong hai nhiệm kỳ ông Obama nắm quyền. “Củ cà rốt” đã không có tác dụng, vậy giờ đây “cây gậy” sẽ vào cuộc[v]. Từ đây, thay vì ngay lập tức trao cho Triều Tiên các quyền lợi để đổi lấy những cam kết từ Bình Nhưỡng như dưới thời ông Bush, Hoa Kỳ sẽ tiến hành đối thoại khi và chỉ khi Triều Tiên đã có những nước đi hạ nhiệt. Nói cách khác, Washington sẽ không còn là bên chủ động mở các cuộc đối thoại. Thay vào đó, chỉ khi Bình Nhưỡng đến bàn đàm phán với những bước xuống thang từ trước, thì Hoa Kỳ mới tiến hành nỗ lực ngoại giao. Mặc khác, người Mỹ cũng đáp trả các bước leo thang từ phía Triều Tiên bằng cách thắt chặt thêm các lệnh trừng phạt hoặc răn đe bằng hiện diện quân sự. Chính sách này cho thấy Nhà Trắng không còn nhân nhượng với các hành động tạo căng thẳng ở khu vực nhằm thúc đẩy đàm phán của Triều Tiên như trước đây. Dẫu vậy, có vẻ cả hai đều không thể có tác động phổ quát rõ rệt nào khi chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn tiếp tục và căng thẳng vẫn leo thang sau mỗi cuộc đàm phán thất bại. Trong những năm tiếp theo, cuộc “mặc cả lớn” của cựu Tổng thống Donald Trump cũng không thể xoay chuyển được tình hình với những thành công còn hạn chế của các Hội nghị thượng đỉnh. Dù cho các nỗ lực của ông Trump đã giúp cho quan hệ Mỹ – Triều trở nên “nồng ấm” hơn bao giờ hết, mục đích cuối cùng là sự đồng thuận về một giải pháp phi hạt nhân hóa lại không thể đạt được. Và, chính sách của ông J. Biden có lẽ sẽ quay trở lại “nhẫn nại chiến lược”, cho thấy Hoa Kỳ dường như đang mắc kẹt trong vấn đề Triều Tiên.

CÁC ĐỒNG MINH CỦA MỸ

Giống với Hoa Kỳ, các đồng minh thân cận của Washington cũng quan ngại sâu sắc chương trình hạt nhân của Triều Tiên và hướng tới một tiến trình giải giáp hạt nhân cho bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, mục tiêu của từng nước là khác nhau nhưng cũng phần nào chịu ảnh hưởng bởi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Với việc Trung Quốc đang trên đà phát triển nhanh chóng, cả về tiềm lực kinh tế và tầm ảnh hưởng quốc tế cạnh tranh với Hoa Kỳ, Triều Tiên có thể trở thành một “quân cờ hạt nhân” hữu hiệu mà Bắc Kinh có thể vận dụng khi đối đầu với Washington. Trong trường hợp nổ ra căng thẳng Mỹ – Trung, Triều Tiên có thể trở thành một con bài đặt sấp chờ được Trung Quốc sử dụng để mặc cả với Hoa Kỳ. Người Mỹ tất nhiên không mong muốn điều này, nhưng các nỗ lực của họ phần nào lại khiến quan hệ Trung – Triều sát lại gần nhau hơn, cũng như là lý do để Bình Nhưỡng leo thang căng thẳng. Với việc ủng hộ Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia vào liên minh AUKUS, cùng với việc Hàn Quốc cân nhắc gia nhập Bộ tứ QUAD, sự kiềm tỏa và phòng vệ hữu hiệu hơn đối với Triều Tiên là một trong những mục tiêu Mỹ cùng đồng minh hướng tới. Tuy nhiên, sự hiện diện của AUKUS hay QUAD vốn đã vấp phải không ít sự phản đối từ cả phía Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Việc Mỹ cùng một liên minh quân sự gồm các quốc gia vốn không có thiện chí với Trung Quốc xuất hiện và duy trì sự ảnh hưởng tại Đông Bắc Á có thể ảnh hưởng lớn đến an ninh của Trung Quốc. Cho phép thêm hai quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ tại khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia vào liên minh mở rộng này có thể thách thức Bắc Kinh nhiều hơn nữa. Nước đi này có thể sẽ bị cả Trung Quốc và Triều Tiên xem như là một mối nguy tiềm tàng, và do đó đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia này ngày càng thắt chặt hơn.

a)      Hàn Quốc

Mối quan hệ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên hiện nay có thể được ví ngắn gọn như “nhất gia nhị quốc”. Cả hai miền đều có chung dòng máu Joseon, chung nền lịch sử và văn hóa lâu đời nhưng lại tồn tại nhiều khác biệt về hệ tư tưởng chính trị cùng với sự can thiệp của các cường quốc trong lịch sử đã dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng như hiện nay. Mặc dù trong thời gian vừa qua hai bên đã nhiều lần tổ chức các cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều[vi] cũng như có những chính sách mềm dẻo (tiêu biểu như chính sách Ánh Dương[vii] của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung) nhằm kéo quan hệ cả hai miền xích lại gần hơn nhưng trên danh nghĩa, Đại Hàn Dân Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn còn đang trong tình trạng căng thẳng xung đột.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) chỉ hạ nhiệt bằng một hiệp định đình chiến mà không có hiệp ước hòa bình nào được ký kết. Điều này khiến cho bán đảo Triều Tiên vẫn rơi vào tình trạng bị chia cắt, và Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì chương trình hạt nhân và tên lửa – một mối đe dọa cho an ninh thế giới và khu vực. Để buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc đã kiên quyết thực hiện các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc ký kết một hiệp ước hòa bình nào cho đến khi Triều Tiên “nỗ lực tích cực trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Theo người đứng đầu Nhà Xanh, Hàn Quốc cần hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ để đối phó với mối đe dọa này. Dưới góc nhìn của ông, Triều Tiên hiện ra như một thực thể “có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Hàn Quốc”. Chính vì thế, ông Yoon đã không ngần ngại chỉ trích chính sách thiên về đối thoại hơn đối đầu của người tiền nhiệm Moon Jae In. Với lập trường cứng rắn của Tổng thống Yoon Suk Yeol hiện tại, xung đột quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên là một điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây có thể xem là một mối đe dọa an ninh toàn cầu mới trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn nhiều biến động phức tạp, khi mà xung đột Nga – Ukraine ở bên kia địa cầu vẫn đang có dấu hiệu leo thang.

Có thể nói, vấn đề Triều Tiên luôn là một nan đề đối với bất kỳ đời Tổng thống Hàn Quốc nào bởi vô vàn vấn đề vẫn đang chờ hai bên hợp tác cùng nhau giải quyết, đơn cử như vấn đề hạt nhân hay tiến trình thống nhất bán đảo Triều Tiên. Triển vọng gắn kết hai miền bán đảo về một mối nay sẽ càng xa vời hơn nữa dựa trên lập trường cùng quan điểm cứng rắn, không nhân nhượng của vị Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk Yeol.

b) Nhật Bản

Cùng là một quốc gia Đông Bắc Á nhưng khác với Trung Quốc, Nhật Bản lại có một mối quan hệ căng thẳng với Triều Tiên. Người dân cả hai miền bán đảo Triều Tiên nhìn chung đều có tâm lý thù ghét Nhật Bản do những bất đồng trong quá khứ . Ngược lại, người Nhật Bản lại cảm thấy quan ngại, nước này xem chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên như một mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Các tên lửa của Triều Tiên khi phóng thử ra Thái Bình Dương đều có quỹ đạo bay qua chính quốc Nhật Bản, khiến nước này phải nhiều lần đặt tình trạng báo động trên nhiều khu vực. Các mối đe dọa đến từ Triều Tiên cũng đang ngày đẩy Nhật Bản lại gần hơn với Mỹ, vốn từ lâu đã là đồng minh truyền thống có hiệp ước đảm bảo an ninh với nước này. Nhật Bản nhiều lần lên tiếng xem các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên là “sự vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc, là hành động làm gia tăng căng thẳng cho toàn bộ cộng đồng quốc tế”[viii] và tuyên bố sẽ theo dõi sát sao tình hình, phối hợp với cả Mỹ và Hàn Quốc, đặc biệt là thông qua các tập trận chung của cả 3 nước.

Một khía cạnh khác thì đây cũng chính là động lực thúc đẩy nước này tái vũ trang và tăng cường khả năng chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ nhằm ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong bối cảnh tình hình khu vực ngày càng biến động. Điều này có thể dẫn đến việc Nhật Bản gia tăng ngân sách quốc phòng và thậm chí là xem xét chỉnh sửa điều 9 của Hiến pháp vốn hạn chế Lực lượng phòng vệ của nước này. Xa hơn nó còn có thể dẫn đến nhiều căng thẳng gia tăng trong khu vực do Trung Quốc không hề muốn một Nhật Bản với lực lượng vũ trang hùng mạnh sẽ tham gia vào ván cờ chính trị trong khu vực. Nhìn chung có thể thấy rằng vấn đề Triều Tiên có tác động lớn đến các chính sách đối ngoại và quân sự của Nhật Bản. Ngoài ra còn đẩy nước này xích lại gần hơn với Mỹ và Hàn nhằm ứng phó với các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

KẾT LUẬN

Nhìn chung thì các cường quốc trong khu vực Đông Bắc Á cũng như trên thế giới đều có những toan tính và các góc nhìn riêng về bán đảo Triều Tiên. Tất cả đều bị chi phối rất lớn bởi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, vốn gây ra nhiều căng thẳng và mối nguy cho môi trường quốc tế. Trên thực tế, đa số các cường quốc đều không muốn một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong tay có thể làm xáo trộn địa chính trị tại Đông Bắc Á, bởi lẽ bất kỳ hành động nào từ Bình Nhưỡng đều có thể là nguồn cơn cho một cuộc xung đột diện rộng, đặc biệt là khi xét trong bối cảnh những quốc gia trong khu vực đã ẩn chứa những mâu thuẫn tiềm tàng. Tuy nhiên, cách tiếp cận giữa các cường quốc cũng không hề giống nhau: Nga và Trung Quốc do những mối liên hệ về chính trị và kinh tế nên dù có quan ngại về vấn đề hạt nhân thì các quốc gia này vẫn giữ một mối quan hệ hữu nghị; trong khi đó, Mỹ và các đồng minh lại có cách tiếp cận đầy quyết liệt và xem như mối đe dọa đến an ninh khu vực và trên thế giới. Dù vậy, bất kể sự khác biệt, các nhà lãnh đạo khu vực đã và đang có những hoạt động ngoại giao song phương và đa phương nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để hướng tới sự hòa bình, ổn định, hoặc ít nhất là sự hòa hoãn giữa các bên liên quan.

CHÚ THÍCH

[i] Hàng triệu quân tình nguyện Trung Quốc đã tiến sang trợ giúp Triều Tiên chống lại quân Mỹ và đồng minh dưới sự chỉ huy của nguyên soái Bành Đức Hoài. (Nguồn: AL JAZEERA AND NEWS AGENCIES. (2022, September 16). S Korea returns remains of Chinese soldiers killed in Korean War. Al Jazeera. Retrieved December 6, 2023, from https://www.aljazeera.com/korea-returns-remains-of-chinese-soldiers-killed-in-korean-war).

[ii] Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc: https://www.vietnamplus.vn/kim-ngach-xuat-khau-cua-trung-quoc-sang-trieu-tien-giam-manh-post876320.vnp

[iii]Theo:https://vnexpress.net/trung-quoc-cam-nhap-khau-than-sat-tu-trieu-tien-3627215.htm

[iv] Theo: https://vnexpress.net/thang-tram-trong-quan-he-nga-trieu-4653012.html

[v] Pyon, C (2011). Strategic Patience or Back to Engagement? Obama’s Dilemma on North Korea. McFarland & Company.

[vi] Tính đến tháng 12/2023, đã có tổng cộng 5 lần Hội nghị được tổ chức (vào các năm 2000, 2007, tháng 4/2018, tháng 5/2018 và tháng 9/2018).

[vii] Chính sách Ánh Dương là một chính sách ngoại giao mà Hàn Quốc áp dụng với Triều Tiên nhằm thúc đẩy hòa bình và hợp tác giữa hai miền bán đảo thông qua các biện pháp hòa giải và tiếp xúc (Theo: K.Y. Son, South Korean Engagement Policies and North Korea).

[viii] Theo:https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-cua-nhat-ban-sau-vu-phong-ten-lua-cua-trieu-tien-post1026763.vov

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. AL JAZEERA AND NEWS AGENCIES. (2022, September 16). S Korea returns remains of Chinese soldiers killed in Korean War. Al Jazeera. Retrieved December 6, 2023, from https://www.aljazeera.com/news/2022/9/16/s-korea-returns-remains-of-chinese-soldiers-killed-in-korean-war
  2. AL JAZEERA AND NEWS AGENCIES. (2023, September 13). The highs and lows of Russia, North Korea relations. Al Jazeera. Retrieved December 6, 2023, from https://www.aljazeera.com/news/2023/9/13/the-highs-and-lows-of-russia-north-korea-relations
  3. Bảo, H. (2017, May 4). Triều Tiên bất ngờ chỉ trích Trung Quốc. Báo Người lao động. Retrieved December 5, 2023, from https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trieu-tien-bat-ngo-chi-trich-trung-quoc-20170504081156778.htm
  4. Bell, C. L. (2023, October 19). Australia Should Support Japan and South Korea’s Accession Into AUKUS. The Diplomat. Retrieved December 7, 2023, from https://thediplomat.com/2023/10/australia-should-support-japan-and-south-koreas-accession-into-aukus/
  5. Bennett, B. W. (2023, September 20). Quan hệ Nga-Trung-Triều phát triển nhanh chóng và hệ lụy đối với chiến lược của phương Tây. Nghiên Cứu Chiến Lược. Retrieved December 6, 2023, from https://nghiencuuchienluoc.org/quan-he-nga-trung-trieu-phat-trien-nhanh-chong-va-he-luy-doi-voi-chien-luoc-cua-phuong-tay/
  6. Bennett, B. W. (2023, September 27). North Korea and China Aren’t the Allies You Think They Are. RAND Corporation. Retrieved December 5, 2023, from https://www.rand.org/pubs/commentary/2023/09/north-korea-and-china-arent-the-allies-you-think-they.html
  7. Bình, A. (2021, September 20). Triều Tiên cảnh báo ‘chạy đua vũ trang hạt nhân’ vì AUKUS. Báo Tuổi Trẻ. Retrieved December 6, 2023, from https://tuoitre.vn/trieu-tien-canh-bao-chay-dua-vu-trang-hat-nhan-vi-aukus-20210920102313665.htm
  8. Bisley, N. (4, July 2022). What’s China’s relationship with North Korea really like? La Trobe University. Retrieved December 6, 2023, from https://www.latrobe.edu.au/nest/whats-chinas-relationship-north-korea-really-like/
  9. Đặng, H. (2021, March 10). ‘Hàn Quốc cân nhắc tham gia QUAD Plus để kiềm chế Triều Tiên’. PLO. Retrieved December 7, 2023, from https://plo.vn/han-quoc-can-nhac-tham-gia-quad-plus-de-kiem-che-trieu-tien-post616696.html
  10. Global Affairs Canada. (2022, September 2). Canada-Democratic People’s Republic of Korea Relations. Global Affairs Canada. Retrieved December 6, 2023, from https://www.international.gc.ca/country-pays/democratic_peoples_republic_korea-republique_populaire_democratique_coree/relations.aspx?lang=eng
  11. The Guardian. (2017, September 23). China to enforce UN sanctions against North Korea. The Guardian. Retrieved December 5, 2023, from https://www.theguardian.com/world/2017/sep/23/china-to-enforce-un-sanctions-against-north-korea
  12. Heydarian, R. J. (2020, July 14). Why A ‘Grand Bargain’ Between the West and North Korea Is Possible. The National Interest. Retrieved December 7, 2023, from https://nationalinterest.org/blog/korea-watch/why-%E2%80%98grand-bargain%E2%80%99-between-west-and-north-korea-possible-164748
  13. Hoài, T. (2021, September 18). Liên minh AUKUS: Sự hình thành và những tác động ảnh hưởng. baotintuc.vn. Retrieved December 6, 2023, from https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lien-minh-aukus-su-hinh-thanh-va-nhung-tac-dong-anh-huong-20210917162211294.htm
  14. Iranalytica.Vn. (2022, March 22). Chính sách đối ngoại Hàn Quốc dưới thời tân tổng thống Yoon Seok Yeol. IR Analytica. Retrieved December 15, 2023, from https://iranalytica.com/chinh-sach-doi-ngoai-han-quoc-2022/
  15. Johnson, J. (2019, November 8). Nearly half of South Koreans would back North in war with Japan, while 40% ‘have no idea’. The Japan Times. Retrieved December 6, 2023, from https://www.japantimes.co.jp/news/2019/11/08/national/politics-diplomacy/nearly-half-south-koreans-back-north-vs-japan/
  16. Kiều, A. (2021, July 2). Triều Tiên không còn là ưu tiên trong chính sách của Tổng thống Biden? VOV.VN. Retrieved December 7, 2023, from https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trieu-tien-khong-con-la-uu-tien-trong-chinh-sach-cua-tong-thong-biden-870508.vov
  17. Lê, N., & Mạnh, Q. (2022, May 14). Quan hệ liên Triều sẽ đi về đâu từ “làn gió mới” của tân Tổng thống? Người Đưa Tin. Retrieved December 15, 2023, from https://www.nguoiduatin.vn/quan-he-lien-trieu-se-di-ve-dau-tu-lan-gio-moi-cua-tan-tong-thong-a552919.html
  18. Murphy, K. (2017, August 10). Australia will back US in any conflict with North Korea, Turnbull says. The Guardian. Retrieved December 7, 2023, from https://www.theguardian.com/australia-news/2017/aug/11/turnbull-pledges-support-to-us
  19. Ngọc, Đ. (2023, July 28). Mối nguy quốc phòng của Nhật: Nhất Triều Tiên, nhì Trung Quốc. Báo Tuổi Trẻ. Retrieved December 7, 2023, from https://tuoitre.vn/moi-nguy-quoc-phong-cua-nhat-nhat-trieu-tien-nhi-trung-quoc-20230728125619462.htm
  20. Phạm, N. (2022, December 31). Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo, Đông Bắc Á thêm căng thẳng. Báo Người Lao Động. Retrieved December 7, 2023, from https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trieu-tien-lai-phong-ten-lua-dan-dao-dong-bac-a-them-cang-thang-20221231085316263.htm
  21. Pyon, C. (2011). Strategic Patience or Back to Engagement? Obama’s Dilemma on North Korea. North Korean Review, 7(2), 73–81. http://www.jstor.org/stable/43908853
  22. Spoorenberg, T., & Daniel Schwekendiek, D. (2012, March 21). Demographic Changes in North Korea: 1993–2008. Population and Development Review. Retrieved December 6, 2023, from https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1728-4457.2012.00475.x
  23. Staar, B. (2022, May 30). The new North Korea policy of South Korean President Yoon risks fueling a new arms race on the Korean peninsula – Foreign and security policy. IPS Journal. Retrieved December 6, 2023, from https://www.ips-journal.eu/topics/foreign-and-security-policy/a-new-arms-race-on-the-korean-peninsula-5966/
  24. Synergia Foundation. (2019, January 10). Canada – Korea denuclearisation talks. Synergia Foundation. Retrieved December 7, 2023, from https://www.synergiafoundation.org/insights/analyses-assessments/canada-korea-denuclearisation-talks
  25. Thùy, D. (2021, September 21). AUKUS có thể khiến Triều Tiên xích lại gần Trung Quốc, hợp pháp hóa tham vọng hạt nhân. baotintuc.vn. Retrieved December 7, 2023, from https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/aukus-co-the-khien-trieu-tien-xich-lai-gan-trung-quoc-hop-phap-hoa-tham-vong-hat-nhan-20210921114311779.htm
  26. TONG, K. (2023, September 12). A timeline of the complicated relations between Russia and North Korea. AP News. Retrieved December 6, 2023, from https://apnews.com/article/north-korea-russia-kim-jong-un-putin-timeline-336b51634fab28a34ec210a78866f4d9
  27. Trần, H. T. M. (2022, August 31). Tương lai quan hệ Liên Triều dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol. Nghiên cứu Hàn Quốc. Retrieved December 15, 2023, from https://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=689
  28. Vietnamplus. (2019, April 2). Tổng thống Nga Putin khẳng định thiện chí hợp tác với Triều Tiên. VietnamPlus. Retrieved December 6, 2023, from https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-nga-putin-khang-dinh-thien-chi-hop-tac-voi-trieu-tien-post563974.amp
  29. Vietnamplus. (2023, July 20). Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên giảm mạnh. VietnamPlus. Retrieved December 6, 2023, from https://www.vietnamplus.vn/kim-ngach-xuat-khau-cua-trung-quoc-sang-trieu-tien-giam-manh-post876320.vnp
  30. Vũ, L. (2023, February 22). Báo Triều Tiên nói viện trợ nước ngoài là ‘kẹo độc’, kêu gọi tự lực. Báo Thanh Niên. Retrieved December 4, 2023, from https://thanhnien.vn/bao-trieu-tien-noi-vien-tro-nuoc-ngoai-la-keo-doc-keu-goi-tu-luc-18523022210132808.htm

Bình luận về bài viết này

Không có bình luận nào để hiển thị.
Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia