CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI TRIỀU TIÊN QUA CÁC ĐỜI LÃNH ĐẠO

“Có một sự thật là người dân nước này đã luôn sống trong nghịch lý hằng hữu, duy chỉ có sự thật ở đây là thường hay thay đổi”[i]

Lời nhận định trên được trích trong tác phẩm truyện tranh Pyongyang: A Journey in North Korea (tạm dịch: Bình Nhưỡng: Chuyến hành trình ở Bắc Triều Tiên) của Guy Delisle và được dùng để miêu tả Triều Tiên. Trong mắt Guy, Triều Tiên là một quốc gia đầy rẫy những “nghịch lý” và là nơi “sự thật” rất dễ đổi thay. Thoạt tiên, mô tả của Guy có vẻ tương phản với thực tế về một chính thể được cho là vận hành nhất quán theo nguyên tắc Juche – hệ tư tưởng đã ăn sâu bén rễ trong tư duy của các đời lãnh đạo Triều Tiên từ thời khai quốc, bao gồm cả tư duy đối ngoại. Tuy nhiên, khi nhìn vào lịch sử những hành vi của quốc gia này trong quan hệ quốc tế, liệu “sự thật” về tính nhất quán này có phải là một hằng số? Hay nó cũng là một trong những “nghịch lý hằng hữu” theo lời kể của Guy? Để giải mã ẩn số của quốc gia “bí ẩn” này, chuỗi bài giới thiệu cho POLITALK 9.0, IRYS sẽ điểm qua những chính sách đối ngoại nổi bật của các lãnh đạo Triều Tiên và sự thay đổi liền mạch của chúng qua từng thời kỳ. Bài viết tập trung phân tích chính sách đối ngoại của Triều Tiên với Hàn Quốc và với các nước lớn nói chung từ thời lập quốc đến nay.

KIM NHẬT THÀNH, VỊ CHỦ TỊCH VĨNH CỬU CỦA CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN

Cuộc đời và con người Kim Nhật Thành

“Thủy tổ của dân ta là Đàn Quân, vị cha lập nên Triều Tiên Xã hội chủ nghĩa là đồng chí lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành.”[ii]

Đó là một trong những lời tán dương mà Kim Jong-il đã dành cho cha của mình, vị “Chủ tịch vĩnh cửu” của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Kim Nhật Thành (1912 – 1994). Sự nghiệp của ông bắt đầu khi tham gia nhóm kháng chiến chống Nhật khi mới tuổi thiếu niên, tiếp xúc với chủ nghĩa Marx – Lenin rồi trở thành người Cộng sản. Tiếp đến là khoảng thời gian ông cùng vợ sống lưu vong ở vùng Viễn Đông của Liên Xô vào thập niên 1940s. Những năm tháng hoạt động kháng Nhật rồi sinh sống ở Liên Xô đã giúp ông hình thành nên tư tưởng và phong cách lãnh đạo mà con cháu ông sẽ thừa hưởng về sau.[iii]

Trong quãng thời gian lãnh đạo, ông đã tạo cho Bắc Triều Tiên một nền văn hóa chính trị xoay quanh chính mình bằng tư tưởng Juche và sự sùng bái cá nhân. Thứ nhất, Kim Nhật Thành đã xây dựng nên nền tảng tư tưởng riêng của mình, tư tưởng Juche mà về sau trở thành biểu tượng của Triều Tiên. Thứ hai, ông tạo ra phong trào sùng bái chính mình trong xã hội Triều Tiên. Tư tưởng Juche xuất hiện vào thời kỳ ông tham gia kháng Nhật ở Mãn Châu còn sự sùng bái cá nhân được cho là ông đã chịu sự ảnh hưởng của sự sùng bái Stalin ở Liên Xô. Cả hai nhân tố này trở thành công cụ đắc lực của họ Kim trong quản lý đất nước và trong đường lối đối ngoại. Ngoài ra, chúng còn được phát triển đan xen với nhau để biến Juche thành công cụ vừa để làm nền tảng lý luận cho hoạch định chính sách, vừa làm chất xúc tác cho phong trào sùng bái cá nhân thêm bền vững.[iv] Qua đó, Kim Nhật Thành mới có thể tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay mình, đạt được nấc cao quyền lực mà theo một nhà sử học, khó một vị vua nào trong lịch sử Triều Tiên có thể sánh bằng.[v]

Juche – Nền tảng cho các đường lối chính sách

Là một hệ tư tưởng ra đời từ những năm 1950 dưới thời Kim Nhật Thành – vị Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Juche đã trở thành “xương sống” của nền chính trị Bình Nhưỡng xuyên suốt hơn bảy thập kỷ qua. Theo đó, mọi chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Triều Tiên nhằm thực hiện hai mục đích: Duy trì chế độ gia đình trị của họ Kim và thống nhất bán đảo. Trong đó, sự tồn vong của chế độ luôn là ưu tiên hàng đầu.

Xét riêng về chính sách đối ngoại, tuy có đôi nét khác biệt trong mỗi đời lãnh đạo, có thể do cá tính hay do biến động thời cuộc, nó đều thể hiện tính nhất quán, liên tục, duy lý nếu nhà quan sát hiểu được nguyên tắc Juche và mục tiêu của nó. Juche đưa ra ba nguyên tắc định hướng “tự chủ – tự thân” bất di bất dịch : (1) bảo toàn chủ quyền quốc gia bằng cách đấu tranh cho sự thống nhất đất nước và khước từ mọi loại “chủ nghĩa tay sai”; (2) phòng thủ chống lại chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản bằng “tự chủ quốc phòng”; (3) xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế “tự cung tự cấp”. Tuy không thể phủ nhận những nỗ lực của các lãnh tụ Triều Tiên trong việc định hướng đất nước đi theo hệ tư tưởng này, thực tiễn lịch sử chứng minh họ không phải lúc nào cũng tuân theo nguyên tắc Juche, mà đôi khi chấp thuận một mức độ biến thiên nhất định nhằm bảo toàn sự sống còn của chế độ trong từng bối cảnh đặc thù.[vi]

Chính sách đối ngoại với Hàn Quốc

Chính sách đối ngoại của Kim Nhật Thành với Hàn Quốc có thể được chia làm hai giai đoạn lớn liên tiếp nhau: xung đột và hòa hoãn. Giai đoạn bạo lực bắt đầu từ năm 1950 đến giữa thập niên 1970, được chia làm hai thời kỳ nhỏ hơn là Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) và Xung đột liên Triều (1960 – 1972). Giai đoạn hòa hoãn kéo dài từ năm 1972 cho đến khi ông qua đời và được duy trì bởi người kế nhiệm. Cũng trong giai đoạn này, quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên với các nước lớn có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi quan hệ giữa Triều Tiên với Liên Xô và Trung Quốc gặp nhiều biến động thì giữa Triều Tiên với Mỹ và Nhật Bản lại là sự mâu thuẫn kéo dài. Mặc dù là người khởi xướng và tích cực truyền bá tư tưởng Juche ra thế giới, các quyết sách đối ngoại của ông lại chịu ảnh hưởng hầu hết bởi các yếu tố bên ngoài.

Giai đoạn xung đột

Với Hàn Quốc, cả hai cuộc xung đột trên đều do Kim Nhật Thành phát động nhằm thống nhất bán đảo Triều Tiên nhưng đều thất bại. Nguyên nhân của hai cuộc xung đột này chủ yếu đến từ quan điểm của ông rằng việc thống nhất bán đảo phải được thực hiện bằng bạo lực. Với ông, bạo lực là cách hữu hiệu nhất để chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở bán đảo Triều Tiên và dẹp tan các tư tưởng, phần tử phản cách mạng – chỉ như thế thì sự thống nhất mới vẹn toàn.[vii] Tuy nhiên, với cuộc Xung đột liên Triều, nguyên nhân của nó không hoàn toàn đến từ ý chí của Kim Nhật Thành. Cuộc xung đột này diễn ra cùng lúc với giai đoạn nắm quyền của Tổng thống Park Chung hee ở Hàn Quốc. Những chính sách kinh tế của ông dần khiến cho Hàn Quốc bắt kịp với Triều Tiên. Điều này làm cho Kim Nhật Thành lo rằng cánh cửa thống nhất bán đảo sẽ càng hẹp đi khi Hàn Quốc trở nên mạnh hơn về kinh tế và quân sự.[viii] Trong cuộc xung đột này, Triều Tiên đưa các toán đặc nhiệm bí mật vào phía nam để thiết lập những ổ cách mạng hòng gây ra tình trạng mất an ninh ở Nam Triều Tiên, kết hợp với những người cộng sản địa phương để tiến hành cách mạng lật đổ chế độ và hướng tới thống nhất bán đảo.[ix] Mặc dù cả hai cuộc xung đột này đều kết thúc bằng thỏa ước ngừng chiến nhưng nguyên nhân cho nỗ lực thất bại của Kim Nhật Thành lại có đôi chút khác biệt.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 bằng thỏa thuận ngừng bắn giữa một bên là Liên hiệp quốc dẫn đầu bởi Mỹ và bên còn lại là Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Thỏa thuận này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến. Với Mỹ, họ cần ngưng chiến vì đang gặp phải hai vấn đề trong và ngoài nước liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên. Ở trong nước, người dân Mỹ dần giảm sự ủng hộ đối với cuộc chiến này vì số thương vong tăng cao.[x] Trên chính trường quốc tế, Tổng thống Truman muốn giữ nguyên thỏa thuận ban đầu với Joseph Stalin về sự phân chia bán đảo Triều Tiên. Qua đó, hai bên có thẻ tránh đụng đồ trực tiếp ở khu vực.[xi] Về phía bên kia, Trung Quốc lại mong muốn có một vùng đệm an toàn trước Mỹ ở phía đông bắc của mình.[xii] 

Nguyên nhân của sự thất bại ở cuộc xung đột thứ hai chủ yếu đến từ sự cứng rắn của Mỹ trong nỗ lực bảo vệ đồng minh ở nam bán đảo và quyết tâm chống chủ nghĩa Cộng sản của Hàn Quốc. Tâm lý chống cộng của Nam Triều Tiên lại là hệ quả từ cuộc chiến tranh trước kia. Một nguyên nhân khác nữa là do Triều Tiên thiếu đi sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô. Vào giai đoạn cuối của cuộc xung đột, hai nước này đang cải thiện quan hệ với Nhật Bản trong khi tình trạng bất ổn an ninh ở Đông Bắc Á không tốt cho mối quan hệ giữa các bên. Cộng thêm áp lực đến từ nền kinh tế bị khủng hoảng trong nước, Kim Nhật Thành buộc phải cắt giảm chi tiêu quân sự và xuống thang xung đột. Vào ngày 4 tháng 7 năm 1972, sau một khoảng thời gian đàm phán bí mật, hai miền Triều Tiên đã đưa ra Thông cáo chung Bắc – Nam.[xiii] Hai bên tuyên bố rằng nỗ lực thống nhất đất nước phải được thực hiện bằng biện pháp hòa bình, không có sự can thiệp của ngoại bang.[xiv] Như vậy, chiến lược thống nhất quốc gia của Kim Nhật Thành đã phải thay đổi hoàn toàn do sự tác động lớn từ bên ngoài.

Giai đoạn hòa hoãn

Từ sau năm 1991, Triều Tiên đã gần như coi Hàn Quốc là một chính thể ở phía Nam bán đảo. Kim Nhật Thành đã từ bỏ chính sách bạo lực cách mạng và thay vào đó, đề xuất một Cộng hòa Liên bang Dân chủ Triều Tiên để thống nhất hai miền với điều kiện người dân Hàn Quốc phải tổ chức thành công cách mạng vô sản và quân đội Mỹ phải rút về nước. Một liên bang xã hội chủ nghĩa thống nhất theo quan điểm của Kim il Sung sẽ có sự chia sẻ quyền lực đồng đều giữa chính phủ địa phương hai miền nam bắc trong chính phủ liên bang nhưng cùng đi theo tư tưởng Juche. Ý tưởng này còn là một cách giúp Triều Tiên chung sống với Hàn Quốc trong bối cảnh kinh tế miền bắc đang suy thoái với phương châm: “Chung sống trước – Thống nhất sau”. Mặt khác, ông tin rằng cách mạng ở miền Nam sẽ mau chóng nổ ra và sẽ giúp chuyển hóa tình trạng chung sống dưới một mái nhà thành thống nhất toàn vẹn hai miền. Tuy thế, do lo sợ nguy cơ xâm lược trước mắt của miền nam, Kim Nhật Thành đã tăng chi tiêu quốc phòng và theo đuổi chế tạo vũ khí hạt nhân trong giai đoạn hòa hoãn này.[xv]

Chính sách đối ngoại của Triều Tiên với Trung Quốc và Liên Xô

Xem xét quan hệ các nước lớn trong khu vực ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tam giác Triều Tiên – Trung Quốc – Liên Xô chứng kiến nhiều sự thay đổi đáng kể. Bình Nhưỡng đã phải ngoại giao một cách khéo léo với Bắc Kinh và Moscow vì lợi ích kinh tế và nhu cầu bảo vệ quyền lực tuyệt đối của Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên.[xvi] Sự thay đổi lớn đầu tiên của tam giác này xuất phát từ phong trào “phi Stalin hóa” của Bí thư thứ Nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Khrushchev và việc ông cố gắng thuyết phục các nước đồng minh đi theo phong trào này. Mao Trạch Đông đã phản đối mạnh mẽ phong trào và tố cáo Khrushchev là người đi theo “chủ nghĩa xét lại”. Mặc dù “phi Stalin hóa” phê phán sự sùng bái cá nhân, một công cụ cai trị hữu dụng của Kim Nhật Thành, Triều Tiên ban đầu không thể lên án Liên Xô như Trung Quốc vì nước này còn lệ thuộc nhiều vào viện trợ kinh tế của Liên Xô. Nhưng đến thập niên 1960, khi Triều Tiên và Trung Quốc thắt chặt quan hệ thông qua việc nước này học tập mô hình kinh tế tự chủ và nhận nhiều viện trợ hơn từ Trung Quốc,[xvii][xviii][xix] Triều Tiên đã chính thức lên án Liên Xô. Bình Nhưỡng tố cáo Moscow tìm cách can thiệp vào chuyện nội bộ của nước này thông qua thương mại, viện trợ kinh tế và cưỡng ép Triều Tiên phải đi theo mô hình kinh tế do Liên Xô đề xuất.[xx] Nhưng khi Brezhnev thay thế Khrushchev lãnh đạo Liên Xô vào năm 1964 và kết thúc phong trào “phi Stalin hóa”, quan hệ giữa Liên Xô và Triều Tiên được cải thiện trong khi quan hệ Xô – Trung vẫn tiếp tục căng thẳng. Điều đó, vô hình trung, đã tác động tiêu cực đến quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên. Lực lượng Hồng vệ binh của Trung Quốc liên tục chỉ trích Kim Nhật Thành một cách nặng nề; trong khi đó, tranh chấp biên giới giữa hai nước trở nên khó hòa giải hơn.[xxi] Ngược lại, Triều Tiên tố cáo Trung Quốc có những hành vi áp đặt đối với Triều Tiên và phê phán nước này đi theo “chủ nghĩa cố chấp”. Tuy nhiên, do Triều Tiên cần nhiều sự trợ giúp kinh tế nhiều nhất có thể từ khối xã hội chủ nghĩa nên nước này không thể tiếp tục mạo hiểm theo nước này để chống nước kia. Triều Tiên đã cố gắng giữ hòa khí với hai nước bằng cách giảm xung đột tư tưởng trong mối quan hệ và tránh nhắc đến xung đột Xô – Trung trên trường quốc tế. Giai đoạn từ năm 1972 cho đến khi Liên Xô sụp đổ, Triều Tiên đã thành công trong việc cân bằng và cải thiện quan hệ với cả hai nước.[xxii]

Chính sách đối ngoại của Triều Tiên trong thời gian Kim Nhật Thành cầm quyền đã chứng kiến sự chuyển dịch trong quan hệ với Hàn Quốc từ tấn công sang hòa hoãn và từ khủng hoảng sang ổn định trong quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô. Đồng thời, cũng trong khoảng thời gian này, Triều Tiên không chỉ phụ thuộc vào nền kinh tế mà còn là nền quốc phòng của Liên Xô và Trung Quốc. Mặc dù phần lớn những thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề của ông có nguyên nhân từ bên ngoài, sự chủ động của Kim Nhật Thành trong cân bằng quan hệ với hai “Anh cả Đỏ” khó có thể phủ nhận. Qua đó, có thể thấy rằng, ngay cả người sáng lập ra tư tưởng Juche, nhấn mạnh rằng đây là con đường duy nhất của Triều Tiên, cũng không thể tuân theo những nguyên tắc đó để bảo toàn chế độ. Ta cũng sẽ thấy xu hướng này tiếp tục diễn ra với các nhà lãnh đạo Triều Tiên về sau.

KIM JONG-IL, ĐẠI NGUYÊN SOÁI CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN

Cuộc đời và con người của Kim Jong-il

Ngày 17/12/2021, nhân lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố lãnh tụ Kim Jong-il, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, đã có lời tán dương ông như sau:

“Ngài quả thực là người vĩ đại nhất, nhà hiền triết vĩ đại của cách mạng mà toàn dân trên mảnh đất này noi theo với tình cảm chân thành sâu sắc.”[xxiii]

Kim Jong-il  (1941/1942 – 2011) là con trai trưởng của lãnh tụ Kim Nhật Thành và là nhà lãnh đạo thứ hai của Triều Tiên. Ông rất thần tượng và luôn cố gắng học theo cha mình. Điều đó phần nào giải thích được vì sao tư tưởng Juche tiếp tục chi phối công tác đối ngoại của Triều Tiên thông qua chính sách Songun. Sau khi hoàn thành bậc đại học, ông được cha bổ nhiệm cùng với chú đứng đầu bộ máy tuyên truyền. Lúc này, Kim Jong-il bước vào sự nghiệp chính trị sau khi hoàn thành bậc đại học và được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Cơ quan Tổ chức Trung ương Đảng vào năm 1964. Với cương vị mới, ông với chú thúc đẩy chủ nghĩa sùng bái cá nhân (cult of personality) của cha và sử dụng hình tượng đó để xây dựng sức ảnh hưởng đối với quân đội Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông còn gia tăng tính trung ương, tập quyền của Juche về mặt tư tưởng, cụ thể là thống nhất tư tưởng của toàn bộ hệ thống chính trị và loại bỏ những yếu tố ngoại bang, dù là của Liên Xô hay Trung Quốc. Vào Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 tháng Hai, năm 1974, Kim Jong-il trở thành người kế vị chính thức của Kim Nhật Thành. Từ đó, ông can thiệp nhiều hơn vào các quá trình hoạch định chính sách của Triều Tiên. Ngay từ thập niên 1980s, trước khi chính thức nhậm chức, Kim Jong-il đã là nhà lãnh đạo trên thực tế của Bắc Triều Tiên bên cạnh người cha Kim Nhật Thành và lãnh đạo quốc gia này cho đến khi qua đời.[xxiv]

Sự lãnh đạo của Kim Jong-il  được nhiều nhà quan sát trên thế giới nhận xét là phi lý, khó hiểu và điên rồ. Những lời nhận xét đó có thể đúng phần nào, có lẽ quy luật “quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối” (Absolute power corrupts absolutely) không loại trừ bất cứ ai. Điều đó thể hiện qua vụ đánh bom ám sát hụt Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo Hwan ở Miến Điện vào năm 1983 và vào chuyến bay 858 của Korean Airlines năm 1987. Người ta nghi ngờ Kim Jong-il  đã chỉ đạo hai vụ khủng bố này.[xxv] Việc làm nóng lại xung đột liên Triều với hành động khủng bố có thể được giải thích theo cách khác là nhằm cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc của Hàn Quốc. Nếu quan hệ giữa ba nước này cải thiện, Seoul có thể gây ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng thông qua hai đồng minh quan trọng của Triều Tiên. Tuy nhiên, không phải tất cả động thái của Kim Jong-il đều như những đánh giá trên. Chính sách Songun của ông, mặc dù là một thảm họa kinh tế, nhưng lại là canh bạc thắng lợi trong việc bảo vệ đất nước khỏi những mối nguy đến từ bên ngoài, ít nhất là theo quan điểm của vị Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên.

Songun – chủ nghĩa quân phiệt Triều Tiên

Songun (Tiên quân chính trị) là chính sách nổi tiếng của Kim Jong-il  trong khoảng thời gian ông lãnh đạo Triều Tiên. Nó là sự kế thừa và phát triển từ chính sách quốc phòng của cha ông vào nửa sau thập niên 1970. Songun có thể được xem là sự ứng dụng của Juche trong thực tiễn, được thể hiện qua việc quân sự hóa xã hội và bộ máy chính trị Triều Tiên. Xét mặt tinh thần, Songun xem quân đội là bảo hộ công của cơ thể, ở đây là Đảng Lao động Triều Tiên (KWP). Nếu đặt quân đội ở vị trí trung tâm quyền lực quốc gia, quân đội có thể tùy nghi sử dụng nguồn lực đất nước để bảo vệ Đảng và Chính phủ.[xxvi]

Xét về mặt hệ thống, chính sách Songun có thể được xem là một minh họa hoàn hảo của chủ nghĩa tân hiện thực phòng thủ.[xxvii][xxviii] Kim Jong-il  nhậm chức trong bối cảnh Triều Tiên gần như không còn đồng minh quân sự đáng tin, trong khi trang thiết bị do Hàn Quốc sở hữu càng trở nên hiện đại. Một mối nguy nữa là sức mạnh vô đối của nước Mỹ ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, được chứng minh qua các chiến dịch quân sự liên tiếp ở Nam Tư, Kuwait, Afghanistan. Cùng với đó, thái độ thù địch của chính quyền Bush Jr đối với Triều Tiên khiến cho mối lo của nước này đối với sự sống còn càng thêm sâu sắc.[xxix] Do đó, việc Triều Tiên áp dụng chính sách Songun không phải để đe dọa Hàn Quốc hay các nước khác mà là phục vụ mục đích phòng thủ trong một môi trường quốc tế nhiềm hiểm họa.

Từ đó, chính sách Songun đặt tất cả các bộ phận của Đảng, Chính phủ Triều Tiên dưới sự điều hành của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, đồng thời quân sự hóa xã hội và tăng cường chi tiêu quốc phòng nhằm bảo vệ đất nước. Về mặt quốc phòng, Triều Tiên từ thời Kim Nhật Thành đẩy mạnh phát triển năng lực hạt nhân thông qua sự giúp đỡ của Liên Xô.[xxx][xxxi][xxxii] Khi Kim Jong-il lên nắm quyền, ông tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006 và lần thứ hai vào năm 2009, bên cạnh đó là những vụ thử tên lửa từ tầm gần cho đến tầm xa.[xxxiii]

Chính sách Songun dưới thời kỳ của Kim Jong-il cho thấy sự hiệu quả của nó trong việc bảo vệ Bắc Triều Tiên với khả năng răn đe hạt nhân đối với Mỹ, một bộ máy quân sự khổng lồ cộng với sự trung thành của người dân thông qua việc tuyên truyền và quân sự hóa xã hội. Tuy nhiên, những biện pháp cực đoan của Kim Jong-il đã khiến Triều Tiên trả giá đắt về mặt kinh tế do lạm chi cho quốc phòng. Hậu quả cụ thể là những nạn đói khốc liệt và sự di cư ào ạt khỏi đất nước vào thập niên 1990. Nạn đói lúc này có nguy cơ kết thúc chế độ của họ Kim trước khi các liên quân Mỹ – Hàn nghĩ ra được một kế hoạch xâm lược khả thi lên Triều Tiên.[xxxiv] Chính sách Byungjin của Kim Jong-un sau đó được sinh ra là để cân bằng lại cán cân chi tiêu, vừa giúp Triều Tiên phòng thủ, vừa cứu nguy khi tình thế sắp vượt ngưỡng khẩn cấp.

Chính sách đối ngoại với Hàn Quốc dưới thời Kim Jong-il

Trong mối quan hệ với Hàn Quốc, ông vẫn giữ quan điểm thống nhất bán đảo trong hòa bình của cha mình, song ông cũng nhận thấy sự thống nhất này sẽ đi ngược với lợi ích dòng tộc. Với Kim Jong-il, một sự thống nhất toàn vẹn của bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh miền Nam Triều Tiên đã bỏ xa miền Bắc về phát triển kinh tế, xã hội có khả năng ảnh hưởng xấu đến vị trí, quyền lực của ông. Triều Tiên luôn tuyên truyền rằng Hàn Quốc nghèo hơn mình. Điều đó chứng tỏ, ít nhất là theo quan điểm của họ Kim, tình trạng kinh tế quốc gia tác động lớn đến tính chính danh của chế độ trong mắt người dân (performance-based legitimacy). Do đó, ý tưởng cho một Triều Tiên thống nhất của ông sẽ là hình mẫu “‘một nhà nước – hai chế độ”. Trong đó, nhà nước liên bang quan tâm đến những vấn đề chung của cả Triều Tiên, còn chính quyền tiểu bang sẽ đảm trách công việc riêng của mỗi miền. Kim Jong-il luôn nhấn mạnh rằng Hàn Quốc phải “tôn trọng sự khác biệt” và “chấp nhận chung sống hòa bình” với Triều Tiên.[xxxv]

Mặc dù Kim Jong-il  tỏ ý đề phòng Hàn Quốc, ông vẫn tìm cách cải thiện mối quan hệ với nửa bên kia của bán đảo. Mong muốn này đến từ môi trường quốc tế và tình hình kinh tế trong nước. Vào giai đoạn cuối của chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa Liên Xô, Trung Quốc với Hàn Quốc ngày càng được cải thiện. Những hành động khủng bố kể trên khiến cho các đồng minh của Triều Tiên quay lưng, cắt giảm viện trợ. Trước nguy cơ bị cô lập, Triều Tiên buộc phải cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc. Về mặt kinh tế, trong khi Hàn Quốc tiếp tục phát triển thì Triều Tiên lại trượt dài. Chính sách quản lý kinh tế kém hiệu quả, cộng với sự lạm chi cho quốc phòng theo chính sách Songun có thể nói đã làm Triều Tiên gần như khánh kiệt. Những hiện tượng như nạn đói, di dân bất hợp pháp trở thành hình ảnh miêu tả Triều Tiên giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Tình trạng khủng hoảng này có thể là động lực chính để Triều Tiên cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Cuối thập niên 1980, hai nước lần đầu tiên tạo điều kiện cho các gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh có cơ hội được tái ngộ. Khi Kim Young-sam trở thành Tổng thống Hàn Quốc, ông bắt đầu chương trình viện trợ lương thực cho Triều Tiên và chính sách này được người kế nhiệm ông là Kim Dae-Jung tiếp tục và trở thành một phần của chính sách lớn hơn có tên gọi là “Ánh Dương”.[xxxvi]

Chính sách đối ngoại với các nước lớn của Kim Jong-il

Quan hệ với các nước lớn của Triều Tiên trong thời gian cầm quyền của Kim Jong-il  xoay quanh vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vốn đã xuất hiện từ thập kỷ 1970. Đến năm 1994, tin tình báo của CIA cho biết Triều Tiên có lẽ đang sở hữu vũ khí hạt nhân.[xxxvii] Điều này làm dấy lên lo ngại của Mỹ về một “quốc gia bất hảo” như Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để làm mất an ninh khu vực, cũng như lo ngại trước nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhiều cuộc đàm phán song phương Mỹ – Triều đã diễn ra từ năm 1994 đến 2003. Phương án này thất bại khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003. Từ đó, Mỹ kêu gọi nhiều bên tham gia vào đàm phán, hình thành nên cuộc Đàm phán sáu bên để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Sáu bên tham gia gồm có Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Mặc dù mang tên Đàm phán sáu bên, vai trò của Trung Quốc và Nga giống như là bên trung gian giữa Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản với Triều Tiên. Đến năm 2009, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Đàm phán sáu bên, đánh dấu sự thất bại của nỗ lực ngoại giao đa phương. Thất bại trong đàm phán đến từ việc cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều không có niềm tin về mức độ cam kết của đối phương đối với những thỏa thuận chung: Washington không tin rằng Triều Tiên sẽ sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình; ngược lại, Triều Tiên cũng không tin vào sự đảm bảo an ninh rằng Mỹ sẽ không xâm lược nước này.[xxxviii]

Triều Tiên vào giai đoạn đầu của chính quyền Kim Jong-il đã gặp phải những thách thức to lớn về mặt kinh tế, khiến nước này phải dựa vào cứu trợ từ Hàn Quốc. Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chính sách chi tiêu quốc phòng và chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, việc Triều Tiên tiếp tục sở hữu và phát triển vũ khí hạt nhân của mình cho thấy sự thành công của chính sách đối ngoại của nước này với Mỹ. Vũ khí hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo đã trở thành giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an ninh của Bắc Triều Tiên khi nước này cũng nảy sinh mâu thuẫn với đồng minh lâu năm là Trung Quốc. Nỗ lực “tự chủ quốc phòng” của Kim Jong-il đã thành công, song nó cũng để lại hậu quả to lớn cho kinh tế Triều Tiên – một vấn đề sẽ được người kế nhiệm Kim Jong-un khắc phục phần vào với chính sách Byungjin (Song hành).

KIM JONG-UN, NHÀ LÃNH ĐẠO TỐI CAO CỦA CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN

Cuộc đời và con người của Kim Jong-un

Sau khi Kim Jong-il qua đời, người con trai thứ của ông là Kim Jong-un nhậm chức vào tháng 12/2011 khi chỉ có chưa đầy một năm rèn luyện. Tuy vậy, lãnh đạo đời thứ ba của gia tộc họ Kim đã mang đến một “làn gió mới” cho “quốc gia bí ẩn nhất thế giới” nhờ một tư duy cởi mở hơn – thứ mà có lẽ ông có được từ những năm tháng du học ở Thụy Sĩ và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mặc dù vẫn tiếp tục duy trì và phát triển tư tưởng Juche – nhấn mạnh sự độc lập và tự chủ, cùng với chính sách Songun – ưu tiên quân sự mà ông nội và cha ông đã thiết lập trước đó, Kim Jong-un cũng đã có những thay đổi nhất định trong chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh thế giới hiện đại với xu hướng mở cửa và hợp tác quốc tế ngày càng trở nên quan trọng. Với tư tưởng chủ đạo “Byungjin” – chính sách Song tiến, phát triển đồng thời quân sự lẫn kinh tế, Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un đã thể hiện sự linh hoạt hơn qua các chính sách đối ngoại trong quan hệ liên Triều và quan hệ với các nước lớn.

Byungjin – sự cứu rỗi kịp thời

Chính sách Byungjin (Song tiến) được ban hành bởi Kim Jong-un sau khi ông thay thế cha ông lên lãnh đạo Triều Tiên. Byungjin, xét riêng trên góc độ chính sách đối ngoại, vẫn trung thành với định hướng chính sách của chủ nghĩa tân hiện thực phòng thủ. Byungjin thể hiện hai mục tiêu được Triều Tiên ưu tiên trong việc bảo vệ đất nước: tập trung vào phát triển lẫn kinh tế và quân sự. Đặc biệt, chính sách này đã giúp khắc phục những sai lầm và hậu quả kinh tế gây ra bởi chính sách Songun trước đó. Cho đến thời điểm hiện nay, chính sách Byungjin không những giúp Triều Tiên thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo mà còn giúp nước này gia tăng vị thế trong bàn cờ thế giữa các nước lớn hiện nay.

Dưới góc độ hệ thống, việc Mỹ đã và đang tăng cường can thiệp quân sự ở nhiều nơi trên thế giới như Iraq, Libya và Syria càng thêm củng cố mối lo an ninh của Triều Tiên. Nước này nhận thấy mình cần có cách phòng thủ trước sự bành trướng của “chủ nghĩa tân đế quốc Mỹ”, cần đầu tư hơn nữa vào quốc phòng để bảo toàn sự tồn tại. Mặt khác, theo John Mearsheimer: “Mặc dù sự sống còn là điều tối quan trọng của các quốc gia, các quốc gia vẫn sẽ theo đuổi những mục tiêu phi an ninh như phát triển kinh tế, tăng phúc lợi người dân… Miễn rằng hành vi này không xung đột với logic của cân bằng quyền lực”. Logic của cân bằng quyền lực trong bối cảnh này được hiểu là Triều Tiên cần phải có kinh tế đảm bảo cho chi tiêu quốc phòng để hướng tới cân bằng sức mạnh quân sự của liên quân Mỹ – Hàn. Nhưng để vừa phát triển kinh tế, vừa cân bằng năng lực quân sự là một bài toán khó đối với Triều Tiên.

Giải pháp của Byungjin đi ngược lại nguyên tắc “xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa tự cung tự cấp” theo tư tưởng Juche trong đối ngoại. Triều Tiên dần tiến hành cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường và sớm gặt hái một số thành quả nhất định. Ngân hàng Triều Tiên của Hàn Quốc đã ước tính được rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Triều Tiên giai đoạn 2012 – 2016, dao động từ 1% đến 3.9%. Đối với Triều Tiên, đây là những con số tích cực, nếu so với nạn đói đã diễn ra cách thời điểm đó không lâu, nó đã trở thành nền móng chống đỡ cho gánh nặng về chi tiêu quốc phòng.

Về mảng quốc phòng, chính sách Byungjin tập trung vào phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Ở mặt này, Byungjin là một sự tiếp nối của Songun. Dưới thời của Kim Jong-un, sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên đã tăng lên đáng kể. Nước này tiến hành thử nghiệm 4 vụ thử hạt nhân từ năm 2013 đến 2017. Đặc biệt trong năm 2017, Triều Tiên lần đầu thử vũ khí nhiệt hạch.[xxxix] Bên cạnh đầu đạn hạt nhân, Triều Tiên cũng quan tâm phát triển tên lửa đạn đạo. Cũng vào năm 2017, Triều Tiên tuyên bố hai loại tên lửa đạn đạo mới nhất của họ, Hwasong-14 và Hwasong-15, có khả năng vươn tới lục địa Hoa Kỳ. Thành quả này của Kim Jong-un giúp Triều Tiên không chỉ có khả năng răn đe hiệu quả hơn mà còn nâng vị thế của nước này trên bàn đàm phán và trong kiến trúc an ninh khu vực.[xl]

Chính sách Byungjin không chỉ đảm bảo sự tồn vong của chế độ họ Kim mà còn giúp Triều Tiên trở nên chủ động hơn trong môi trường an ninh truyền thống của Đông Bắc Á. Trong khi cải cách kinh tế đóng vai trò “an dân” thì phát triển vũ khí hạt nhân cho Triều Tiên có sự răn đe hiệu quả. Tuy nhiên, cải cách kinh tế này chứng tỏ ông Kim Jong-un ngầm thừa nhận nền kinh tế xã hội chủ nghĩa “tự cung tự cấp” không phải là con đường hoàn toàn đúng đắn.

Triều Tiên – Hàn Quốc: từ xuống thang đến tái leo thang

Căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã kéo dài trong nhiều thập kỷ, bắt nguồn từ sự chia cắt bán đảo Triều Tiên sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Bởi Triều Tiên là một quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản, trong khi Hàn Quốc là một quốc gia dân chủ theo chủ nghĩa Tư bản. Sự khác biệt về hệ tư tưởng này đã dẫn đến những bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thống nhất bán đảo Triều Tiên, và mối quan hệ với Mỹ. Nút thắt trong mối quan hệ liên Triều đến nay vẫn chưa thể giải quyết thỏa đáng. Dù đã có những giai đoạn “mở nút” chóng vánh, mối quan hệ vẫn dần rơi vào ngõ cụt trong giai đoạn hiện nay.

Giai đoạn xuống thang trong căng thẳng Triều Tiên – Hàn Quốc bắt đầu từ năm 2018, khi hai miền Triều Tiên có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện quan hệ. Bởi trong giai đoạn này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã tích cực thúc đẩy đối thoại và hợp tác với Triều Tiên cùng với sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Cụ thể, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ba lần trong giai đoạn này, tại Bàn Môn Điếm và Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng và thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, văn hóa, thể thao và các cuộc đoàn tụ gia đình. Những thay đổi tích cực này nhen nhóm cho một triển vọng hòa bình giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, giai đoạn xuống thang này đã không kéo dài được lâu vì sự khác biệt về hệ thống chính trị và tư tưởng cũng như sự can thiệp từ các nước bên ngoài như Mỹ và Trung Quốc.

Từ năm 2020 đến nay, căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên bắt đầu leo thang trở lại. Về phía Triều Tiên, nước này đã liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên cũng đã đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với các mối đe dọa từ Hàn Quốc và Mỹ. Về phía Hàn Quốc, nước này đã tăng cường các hoạt động quân sự nhằm đáp trả các động thái khiêu khích của Triều Tiên. Hàn Quốc cũng đã tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các nguyên nhân dẫn đến sự leo thang căng thẳng này có thể kể đến như sự thay đổi chính sách của chính quyền mới của Hàn Quốc do Tổng thống Yoon Suk-yeol lãnh đạo, có lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Ngoài ra, sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho Triều Tiên cảm thấy cần phải củng cố sức mạnh quân sự để tự vệ, bởi Triều Tiên coi Trung Quốc là một đồng minh quan trọng, và lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng Hàn Quốc để chống lại Trung Quốc.

Chính vì vậy, Triều Tiên đã tăng cường các hoạt động quân sự nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc. Sự leo thang căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay là một mối lo ngại đối với cả hai bên và khu vực Đông Á. Nếu như căng thẳng không được giải quyết thì có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực như tăng nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên, gây bất ổn cho khu vực Đông Á và an ninh thế giới. Chung quy, việc cải thiện mối quan hệ liên Triều vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa từ hai bên.

Triều Tiên – Mỹ: từ khởi sắc đến căng thẳng

Mỹ và Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un  tiếp tục là “kỳ phùng địch thủ” của nhau trên bàn cờ chính trị Đông Bắc Á với sự căng thẳng, đối đầu suốt nhiều thập kỷ qua. Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ dưới thời Kim Jong-un  có thể được chia thành hai giai đoạn chính. Giai đoạn 2018-2019 là giai đoạn khởi sắc nhất trong quan hệ hai nước. Nguyên nhân cho sự tiến triển quan hệ này có lẽ là bởi Tổng thống Donald Trump đã đưa ra chính sách mới – trọng tâm là đối thoại và ngoại giao đối với Triều Tiên. Bên cạnh đó, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã thể hiện sự sẵn sàng đối thoại với Mỹ. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có những buổi đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên dù các cuộc gặp không đem lại nhiều kết quả đáng kể.[xli]

Tiếp theo là giai đoạn 2020 đến nay. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, quan hệ Triều Tiên – Mỹ trở nên căng thẳng trở lại. Tuy hai bên vẫn duy trì liên lạc qua các kênh ngoại giao, nhưng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vẫn bị đình trệ. Trước hết là bởi sự khác biệt về mục tiêu và quan điểm chính trị. Bên cạnh đó, sự thiếu tin cậy và lo ngại về việc tuân thủ các thỏa thuận là một rào cản lớn. Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay vẫn đang ở trong tình trạng không chắc chắn vì cả hai đều có những yêu cầu và quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, việc cả hai bên tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao[xlii] cho thấy vẫn còn hi vọng cho khả năng tìm kiếm một lời giải hòa dịu cho mối quan hệ này

Triều Tiên – Nhật Bản: “nóng – lạnh” tùy lúc 

Tương tự, mối quan hệ Triều – Nhật dưới thời Kim Jong-un cũng chứng kiến nhiều “nóng – lạnh” khó đoán.[xliii] Nguyên nhân có lẽ là bởi lịch sử thù địch lâu đời bắt đầu từ thời Nhật đô hộ Triều Tiên, và đặc biệt là vấn đề hạt nhân và tên lửa. Dưới thời Kim Jong-un, mối quan hệ giữa hai nước đã có những tiến triển đáng kể, bao gồm các cuộc gặp cấp cao, giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản và hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn còn nhiều thách thức. Đặc biệt là vấn đề Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, khiến Nhật Bản cảm thấy bị đe dọa.[xliv] Nhìn chung, chính sách đối ngoại của Triều Tiên đối với Nhật Bản còn mang tính phản đối và phòng ngự,[xlv] chống lại chính sách trừng phạt và hạn chế từ phía Nhật Bản[xlvi].

Triều Tiên – Trung Quốc: truyền thống, hữu nghị

Trái lại mối quan hệ đối đầu như với Mỹ và Nhật Bản, Triều Tiên duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung Quốc. Nhìn vào lịch sử quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên, có thể thấy có bốn yếu tố đưa hai bên thắt chặt lại với nhau: vấn đề an ninh quốc gia, tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa, quan hệ truyền thống và quan hệ kinh tế.[xlvii] Dưới thời Kim Jong-un, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã có những bước phát triển đáng kể. Trước hết là bởi Triều Tiên đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, là nước láng giềng và đồng minh quan trọng nhất của mình khi quốc gia này đang dần bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. Không những thế, Triều Tiên còn tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc để đối phó với Mỹ  khi Mỹ – Triều vẫn còn đối đầu nhau trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy, mối quan hệ song phương ngày càng được thắt chặt này thể hiện qua việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước. Ngoài ra, Kim Jong-un đã ký các thỏa thuận hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Việc tăng cường hợp tác quân sự cũng được chú trọng. Ví dụ, hai nước đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự chung như “Gấu Bắc Cực – 2023” ở Nga vào tháng 9 năm 2023.[xlviii] Mối quan hệ giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng có những điểm mâu thuẫn, đặc biệt là về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trung Quốc lo ngại về những nỗ lực liên tục phát triển quân sự của Triều Tiên và cũng đã thực hiện một số biện pháp trừng phạt.

Triều Tiên – Nga: thắt chặt quan hệ

Dưới thời Kim Jong-un, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nga đạt mức tích cực nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trước hết là bởi Nga và Triều Tiên đều đang là hai nước bị cộng đồng quốc tế cô lập (ít nhất ở phương Tây) khiến hai nước này trở thành đồng minh tự nhiên, dựa vào nhau để sống sót. Đồng thời, khi duy trì và thắt chặt quan hệ với Triều Tiên, Nga cũng được quốc gia này hỗ trợ và cung cấp vũ khí để sử dụng cho cuộc chiến tranh với Ukraine.[xlix] Về kinh tế, mặc dù hiện nay Nga gần như không có sự tương tác thương mại với Triều Tiên[l] nhưng trong tương lai, mối quan hệ ở mảng này sẽ phát triển do hai nước đã  ký một nghị định thư về mở rộng hợp tác thương mại, khoa học, kỹ thuật và các lĩnh vực khác.[li] Hai nước còn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu phát triển vũ khí. Có thể thấy, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nga hiện tại là một mối quan hệ mang tính chiến lược. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng có thể tạo ra những thách thức đối với các quốc gia khác. Ví dụ, sự hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga có thể làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, xung đột trong khu vực bán đảo Triều Tiên và thậm chí là trong phạm vi toàn cầu.

LIỆU TRIỀU TIÊN CÓ PHẢI LÀ MỘT “QUỐC GIA XÉT LẠI”? 

Với những chính sách đối ngoại mà Triều Tiên theo đuổi hậu Chiến tranh Lạnh, thì liệu có thể xem đất nước này là một “quốc gia xét lại”? Để đi đến kết luận, ta cần phải đánh giá lại những mục tiêu và giá trị của Triều Tiên trong chính sách đối ngoại của nước này. Về mục tiêu, Triều Tiên luôn hướng đến hai thứ đó là sự thống nhất bán đảo Triều Tiên và sự tồn vong của chế độ họ Kim. Triều Tiên đã và đang sử dụng mọi biện pháp, từ bạo lực cho đến hòa bình, tùy vào các thời kỳ, để hướng tới hoặc duy trì hai mục tiêu trên. Xét trên mặt này, Triều Tiên được xem là “quốc gia xét lại” vì có tham vọng thay đổi hiện trạng chính trị của bán đảo Triều Tiên.[lii] Về mặt giá trị, Triều Tiên luôn thể hiện sự chống đối đối với những chuẩn mực, quy phạm của trật tự quốc tế hiện nay. Triều Tiên luôn có những diễn ngôn lên án Mỹ và vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế. Ngoài diễn ngôn, Triều Tiên còn vi phạm vào nguyên tắc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, bắt cóc công dân nước ngoài, thực hiện những hành động khủng bố. Như vậy, xét theo định nghĩa về “quốc gia xét lại” thì khái niệm này tương đối phù hợp dành cho Triều Tiên. Tuy nhiên, nó sẽ không miêu tả đầy đủ tính chất chống đối riêng biệt của Bình Nhưỡng. Ngoài “quốc gia xét lại”, khái niệm “quốc gia cách mạng” còn được đưa ra để miêu tả hành vi của Triều Tiên. “Quốc gia cách mạng”, là một thuật ngữ được Henry Kissinger đưa ra nhằm ám chỉ một chủ thể trong quan hệ quốc tế quốc tế mong muốn thay đổi một cách căn bản chứ đừng nói đến việc phá hủy hoàn toàn hệ thống quốc tế hiện tại. Xét trên khái niệm thứ hai này, Triều Tiên cũng có thể được xếp vào loại “quốc gia cách mạng”.[liii] Như vậy, tùy vào bối cảnh mà ta có thể xếp Triều Tiên vào loại “quốc gia xét lại” hay “quốc gia cách mạng”.

TỔNG KẾT

Trong vòng ba đời lãnh đạo, từ Kim Il Sung đến Kim Jong-il và tiếp theo là Kim Jong-un, chính sách đối ngoại của Triều Tiên đã trải qua sự biến đổi đáng kể. Đầu tiên, Kim Il-sung đã đặt nền móng cho tinh thần Juche – nhấn mạnh sự độc lập và tự cường chính là căn nguyên cho sự khai sinh và phát triển của Triều Tiên. Từ đó, “Juche” được tích cực tuyên truyền nhằm biến nó thành “kim chỉ nam” trong đường lối lãnh đạo cũng như chính sách đối ngoại của các thế hệ sau, và cũng là tinh thần mang tính biểu tượng cho đất nước và con người Triều Tiên. Đến thời Kim Jong-il, chính sách Songun dựa trên Juche được đề ra với mục đích tập trung vào quân đội, năng lực quốc phòng nhằm bảo vệ đất nước trong thế không còn đồng minh. Khi vòng xoay Kim – Triều quay đến lượt Kim Jong-un, Triều Tiên được “làm mới” hơn với chính sách “Byungjin” tiếp nối tư tưởng Juche và Songun trước đó. Chính sách Song tiến này có phần tham vọng và mâu thuẫn khi Kim Jong-un muốn phát triển quân sự, song song với phát triển kinh tế và mở cửa. Bên cạnh đó, mặt kinh tế của Byungjin còn bớt đi tính xã hội chủ nghĩa như nguyên tắc Juche đã đề ra. Đi sâu hơn vào cách mà các nhà lãnh đạo Triều Tiên áp dụng những chính sách lớn này, ta cũng sẽ thấy họ đôi khi buộc phải bỏ qua những nguyên tắc Juche và thích ứng với tình hình thực tế. Tuy thế, các nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa bao giờ thể hiện rằng họ sẵn sàng từ bỏ tinh thần của Juche, “sự tự thân”. Các chính sách đều gắn Juche vào trong đó với nền chính trị tập quyền, tập trung phát triển quân sự để củng cố sự độc lập và tự cường của họ Kim trên đất nước “Ẩn sĩ”.

CHÚ THÍCH

[i] Delisle, G. (2017, May 4). Pyongyang: A Journey in North Korea. Random House. http://books.google.ie/books?id=GxvADgAAQBAJ&printsec=frontcover&dq=Pyongyang:+A+Journey+in+North+Korea&hl=&cd=1&source=gbs_api

[ii] Foreign Languages Publishing House (North Korea) . (2008). Kim Jong-il’s aphorisms. Foreign Languages Publishing House. https://www.marxists.org/archive/kim-jong-il/bio/aphorisms.pdf

[iii] Suh, D. S. (1995, May 25). Kim il Sung: The North Korean Leader. https://doi.org/10.1604/9780231065733

[iv] Lim, J. C. (2008, November 24). Kim Jong-il’s Leadership of North Korea. Routledge. http://books.google.ie/books?id=ag16AgAAQBAJ&pg=PP5&dq=0-203-88472-8&hl=&cd=1&source=gbs_api

[v]  Suh, D. S. (1995, May 25). Kim il Sung: The North Korean Leader. https://doi.org/10.1604/9780231065733 

[vi] Joo, S. H. (2016, December 5). North Korea’s Foreign Policy under Kim Jong Il. Routledge. http://books.google.ie/books?id=R7CoDQAAQBAJ&pg=PA10&dq=9780754677390&hl=&cd=1&source=gbs_api

[vii]  Suh, D. S. (1995, May 25). Kim il Sung: The North Korean Leader. https://doi.org/10.1604/9780231065733 

[viii] Zagoria, D. S., & Kim, Y. K. (1975, December 1). North Korea and the Major Powers. Asian Survey, 15(12), 1017–1035. https://doi.org/10.2307/2643582

[ix] Jager, S. M. (2013, July 1). Brothers at War: the Unending Conflict in Korea.

[x] Harry S. Truman | U.S. President & History. (2023, November 23). Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Harry-S-Truman/Outbreak-of-the-Korean-War

[xi] Jager, S. M. (2013, July 1). Brothers at War: the Unending Conflict in Korea.

[xii] Zhihua . (2020, June 22). Revisiting Stalin’s and Mao’s Motivations in the Korean War. Wilson Center. Retrieved December 14, 2023, from https://www.wilsoncenter.org/blog-post/revisiting-stalins-and-maos-motivations-korean-war

[xiii] Zagoria, D. S., & Kim, Y. K. (1975, December 1). North Korea and the Major Powers. Asian Survey, 15(12), 1017–1035. https://doi.org/10.2307/2643582

[xiv] The July 4 South-North Joint Communiqué . (n.d.). Peacemaker UN . Retrieved December 7, 2023, from https://peacemaker.un.org/sites/peacemaker.un.org/files/KR%20KP_720704_The%20July%204%20South-North%20Joint%20Communiqu%C3%A9.pdf

[xv] Wan-kyu. (2001). North Korea’s new unification strategy. Asian Perspective, 25(2), 99–122.

[xvi] Chŏng, C. W. (1978, January 1). Pʻyongyang Between Peking and Moscow. http://books.google.ie/books?id=dDaCAAAAIAAJ&q=PYONGYANG+BETWEEN+PEKING+AND+MOSCOW+NORTH+KOREA%E2%80%99S+INVOLVEMENT+IN+THE+SINO-SOVIET+DISPUTE,+1958-1975&dq=PYONGYANG+BETWEEN+PEKING+AND+MOSCOW+NORTH+KOREA%E2%80%99S+INVOLVEMENT+IN+THE+SINO-SOVIET+DISPUTE,+1958-1975&hl=&cd=1&source=gbs_api

[xvii] Ngoài hợp tác kinh tế ra, Trung Quốc và Triều Tiên còn ký kết với nhau hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1961. Liên Xô cũng ký một hiệp ước tương tự với Triều Tiên cùng năm. Đây là hai đồng minh quân sự hiện tại của Triều Tiên và duy nhất của Trung Quốc. Tuy hai hiệp ước này vẫn còn hiệu lực cho đến nay nhưng về thực chất, quan hệ an ninh Trung Quốc – Triều Tiên có ý nghĩa hơn với cả hai bên so với Nga – Triều Tiên.

[xviii] Treaty of Friendship. (n.d.). Retrieved December 15, 2023, from https://www.marxists.org/subject/china/documents/china_dprk.htm

[xix] Treaty of friendship, co-operation and mutual assistance. (n.d.). UN. Retrieved December 15, 2023, from https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%20420/volume-420-I-6045-English.pdf

[xx] Central Intelligence Agency (CIA) . (1961, April 5). Sino-Soviet Competition in North Korea . Retrieved December 5, 2023, from https://www.cia.gov/readingroom/docs/CIA-RDP79S00427A000600060001-7.pdf

[xxi] Suh, D. S. (1995, May 25). Kim il Sung: The North Korean Leader. https://doi.org/10.1604/9780231065733

[xxii]  Chŏng, C. W. (1978, January 1). Pʻyongyang Between Peking and Moscow. http://books.google.ie/books?id=dDaCAAAAIAAJ&q=PYONGYANG+BETWEEN+PEKING+AND+MOSCOW+NORTH+KOREA%E2%80%99S+INVOLVEMENT+IN+THE+SINO-SOVIET+DISPUTE,+1958-1975&dq=PYONGYANG+BETWEEN+PEKING+AND+MOSCOW+NORTH+KOREA%E2%80%99S+INVOLVEMENT+IN+THE+SINO-SOVIET+DISPUTE,+1958-1975&hl=&cd=1&source=gbs_api 

[xxiii] Smith. (2021, December 17). North Korea’s Kim Jong-un  marks 10th anniversary of father’s death . Reuters. Retrieved December 14, 2023, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-koreas-kim-jong-un-marks-10th-anniversary-fathers-death-2021-12-17/

[xxiv] Lim, J. C. (2008, November 24). Kim Jong-il’s Leadership of North Korea. Routledge. http://books.google.ie/books?id=ag16AgAAQBAJ&pg=PP5&dq=0-203-88472-8&hl=&cd=1&source=gbs_api

[xxv] French, P. (2014, May 8). North Korea. Bloomsbury Publishing.

[xxvi] Park. (2007, September). Military-First Politics (Songun): Understanding Kim Jong-il’s North Korea. Korea Economic Institute , 2(7).

[xxvii] Lobell, S. E. (2017, December 22). Structural Realism/Offensive and Defensive Realism. Oxford Research Encyclopedia of International Studies. https://doi.org/10.1093/acrefore/9780190846626.013.304

[xxviii] Chủ nghĩa hiện thực phòng thủ lập luận rằng cấu trúc vô chính phủ của hệ thống quốc tế khuyến khích các quốc gia duy trì các chính sách ôn hòa và dè dặt để đạt được an ninh.

[xxix]Park. (2007, September). Military-First Politics (Songun): Understanding Kim Jong-il’s North Korea. Korea Economic Institute , 2(7).

[xxx] Jager, S. M. (2013, July 1). Brothers at War: the Unending Conflict in Korea.

[xxxi] Military-First Politics (Songun): Understanding Kim Jong-il’s North Korea. (2007, September). Korea Economic Institute , 2(7).

[xxxii] Yongbyon Nuclear Research Center. (2022, March 22). The Nuclear Threat Initiative. https://www.nti.org/education-center/facilities/yongbyon-nuclear-research-center/

[xxxiii]Al Jazeera. (2017, September 3). Timeline of North Korea’s nuclear tests. Retrieved December 15, 2023, from https://www.aljazeera.com/news/2017/9/3/timeline-of-north-koreas-nuclear-tests

[xxxiv] French, P. (2014, May 8). North Korea. Bloomsbury Publishing.

[xxxv] Wan-kyu. (2001). North Korea’s new unification strategy. Asian Perspective, 25(2), 99–122.

[xxxvi] French, P. (2014, May 8). North Korea. Bloomsbury Publishing.

[xxxvii] Arms Control Association. (n.d.). Chronology of U.S.-North Korean Nuclear and Missile Diplomacy, 1985-2022 | Arms Control Association. Retrieved December 14, 2023, from https://www.armscontrol.org/factsheets/dprkchron

[xxxviii] Arms Control Association. (n.d.). The Six-Party Talks at a Glance | Arms Control Association. Retrieved December 14, 2023, from https://www.armscontrol.org/factsheets/6partytalks

[xxxix]Al Jazeera. (2017, September 3). North Korea conducts most powerful nuclear test yet. Retrieved December 15, 2023, from https://www.aljazeera.com/news/2017/9/3/north-korea-conducts-most-powerful-nuclear-test-yet

[xl] Snyder, S., & Park, K. A. (2022, October 25). North Korea’s Foreign Policy. Rowman & Littlefield. http://books.google.ie/books?id=mXufEAAAQBAJ&pg=PR4&dq=9781538160312&hl=&cd=1&source=gbs_api

[xli] North Korea nuclear test site to close in May, South Korea says. (2018, April 29). BBC News. https://www.bbc.com/news/world-asia-43939375#:~:text=North%20Korea’s%20nuclear%20test%20site,have%20 partially%20 collapsed%20in%20 September.

[xlii] Anh, T. (2023, December 12.). Mỹ khẳng định tiếp tục theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên. VietNamNet News. https://vietnamnet.vn/my-khang-dinh-tiep-tuc-theo-duoi-ngoai-giao-voi-trieu-tien-2225923.html

[xliii]Mai, X. (2018, September 29). Nóng lạnh quan hệ Nhật – Triều. Báo Người Lao Động. Retrieved December 15, 2023, from https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nong-lanh-quan-he-nhat-trieu-20180928215633082.htm

[xliv]Khalil, Mackenzie , & Ng. (2023, April 13). North Korea missile launch sparks confusion in Japan. BBC News. Retrieved December 14, 2023, from https://www.bbc.com/news/world-asia-65259718

[xlv] Shin, M. (2022, December 21). North Korea Warns Against Japan’s New Security Strategy. The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/12/north-korea-warns-against-japans-new-security-strategy/ /

[xlvi] Measures taken by the Government of Japan against North Korea. (n.d.). Ministry of Foreign Affairs of Japan. https://www.mofa.go.jp/a_o/na/kp/page4e_000377.html   

[xlvii] Nanto, D. K., & Manyin, M. E. (2011, September 1). China–North Korea Relations. North Korean Review, 7(2), 94–101. https://doi.org/10.3172/nkr.7.2.94

[xlviii] Cha, S., & Herskovitz, J. (2023, September 4). Russia Proposed Joint Naval Drills With North Korea and China. Bloomberg.com. https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-09-04/russia-proposed-joint-naval-drills-with-north-korea-and-china

[xlix]Sauer, P. (2023, November 7). Evidence mounts of North Korean arms to Russia in threat for Ukraine. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2023/oct/27/north-korean-arms-supply-russia-war-ukraine-munition-shipments                

[l] Tertitskiy, F. (2023, August 1). Is North Korea Set to Become Russia’s Ally Following Shoigu’s Visit? Carnegie Endowment for International Peace. https://carnegieendowment.org/politika/90315

[li]Linh. (2023, November 16). Nga, Triều Tiên ký nghị định thư về mở rộng hợp tác. Vietnamnet News. Retrieved December 15, 2023, from https://vietnamnet.vn/nga-trieu-tien-ky-nghi-dinh-thu-ve-mo-rong-hop-tac-2215838.html

[lii] Rasheed. (2023, January 1). Suchak Patel asked: What are the similarities and differences between a revisionist and a rogue state? Manohar Parrikar Institute for Defence Studies and Analyses. Retrieved December 14, 2023, from https://www.idsa.in/askanexpert/differences-between-a-revisionist-and-a-rogue-state

[liii] Tenembaum, Y. J., Westcott, N., Love, J., Nougué, J., Alioua, M., & Kot, B. (2023, November 17). International Relations: It’s time to revise how we talk about revisionist powers. OxPol. Retrieved December 14, 2023, from https://blog.politics.ox.ac.uk/international-relations-its-time-to-revise-how-we-talk-about-revisionist-powers/

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Anh, T. (2023, December 12). Mỹ khẳng định tiếp tục theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên. VietNamNet News. Retrieved December 15, 2023, from https://vietnamnet.vn/my-khang-dinh-tiep-tuc-theo-duoi-ngoai-giao-voi-trieu-tien-2225923.html

Mai, X. (2018, September 29). Nóng lạnh quan hệ Nhật – Triều. Báo Người Lao Động. Retrieved December 15, 2023, from https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nong-lanh-quan-he-nhat-trieu-20180928215633082.htm

Measures taken by the Government of Japan against North Korea. (n.d.). Ministry of Foreign Affairs of Japan. https://www.mofa.go.jp/a_o/na/kp/page4e_000377.html

Linh. (2023, November 16). Nga, Triều Tiên ký nghị định thư về mở rộng hợp tác. Vietnamnet News. Retrieved December 15, 2023, from https://vietnamnet.vn/nga-trieu-tien-ky-nghi-dinh-thu-ve-mo-rong-hop-tac-2215838.html

Nanto, D. K., & Manyin, M. E. (2011, September 1). China–North Korea Relations. North Korean Review, 7(2), 94–101. https://doi.org/10.3172/nkr.7.2.94

Treaty of friendship, co-operation and mutual assistance. (n.d.). UN. Retrieved December 15, 2023, from https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%20420/volume-420-I-6045-English.pdf

Tertitskiy, F. (2023, August 1). Is North Korea Set to Become Russia’s Ally Following Shoigu’s Visit? Carnegie Endowment for International Peace. https://carnegieendowment.org/politika/90315

Treaty of Friendship. (n.d.). Retrieved December 15, 2023, from https://www.marxists.org/subject/china/documents/china_dprk.htm

Al Jazeera. (2017, September 3). North Korea conducts most powerful nuclear test yet. Retrieved December 15, 2023, from https://www.aljazeera.com/news/2017/9/3/north-korea-conducts-most-powerful-nuclear-test-yet

Delisle, G. (2017, May 4). Pyongyang: A Journey in North Korea. Random House. http://books.google.ie/books?id=GxvADgAAQBAJ&printsec=frontcover&dq=Pyongyang:+A+Journey+in+North+Korea&hl=&cd=1&source=gbs_api

Cha, S., & Herskovitz, J. (2023, September 4). Russia Proposed Joint Naval Drills With North Korea and China. Bloomberg.com. https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-09-04/russia-proposed-joint-naval-drills-with-north-korea-and-china

Sauer, P. (2023, November 7). Evidence mounts of North Korean arms to Russia in threat for Ukraine. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2023/oct/27/north-korean-arms-supply-russia-war-ukraine-munition-shipments

TTXVN. (2023, July 27). Nga, Triều Tiên đồng thuận về các vấn đề quốc phòng và an ninh. https://www.qdnd.vn. Retrieved December 14, 2023, from https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/nga-trieu-tien-dong-thuan-ve-cac-van-de-quoc-phong-va-an-ninh-736369

Lee . (2023, September 4). Russia proposes joint naval drill with China, North Korea. Radio Free Asia. Retrieved December 14, 2023, from https://www.rfa.org/english/news/korea/russia-nkorea-china-drills-09042023063033.html

Shin, M. (2022, December 21). North Korea Warns Against Japan’s New Security Strategy. The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/12/north-korea-warns-against-japans-new-security-strategy/

Khalil, Mackenzie , & Ng. (2023, April 13). North Korea missile launch sparks confusion in Japan. BBC News. Retrieved December 14, 2023, from https://www.bbc.com/news/world-asia-65259718

Arms Control Association. (n.d.). The Six-Party Talks at a Glance | Arms Control Association. Retrieved December 14, 2023, from https://www.armscontrol.org/factsheets/6partytalks

Arms Control Association. (n.d.). Chronology of U.S.-North Korean Nuclear and Missile Diplomacy, 1985-2022 | Arms Control Association. Retrieved December 14, 2023, from https://www.armscontrol.org/factsheets/dprkchron

Smith . (2021, December 17). North Korea’s Kim Jong Un marks 10th anniversary of father’s death . Reuters . Retrieved December 14, 2023, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-koreas-kim-jong-un-marks-10th-anniversary-fathers-death-2021-12-17/

Chŏng, C. W. (1978, January 1). Pʻyongyang Between Peking and Moscow. http://books.google.ie/books?id=dDaCAAAAIAAJ&q=PYONGYANG+BETWEEN+PEKING+AND+MOSCOW+NORTH+KOREA%E2%80%99S+INVOLVEMENT+IN+THE+SINO-SOVIET+DISPUTE,+1958-1975&dq=PYONGYANG+BETWEEN+PEKING+AND+MOSCOW+NORTH+KOREA%E2%80%99S+INVOLVEMENT+IN+THE+SINO-SOVIET+DISPUTE,+1958-1975&hl=&cd=1&source=gbs_api

Zhihua . (2020, June 22). Revisiting Stalin’s and Mao’s Motivations in the Korean War. Wilson Center. Retrieved December 14, 2023, from https://www.wilsoncenter.org/blog-post/revisiting-stalins-and-maos-motivations-korean-war

Harry S. Truman | U.S. President & History. (2023, November 23). Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Harry-S-Truman/Outbreak-of-the-Korean-War

Lim, J. C. (2008, November 24). Kim Jong-il’s Leadership of North Korea. Routledge. http://books.google.ie/books?id=ag16AgAAQBAJ&pg=PP5&dq=0-203-88472-8&hl=&cd=1&source=gbs_api

Foreign Languages Publishing House (North Korea) . (2012). HISTORY OF REVOLUTIONARY ACTIVITIES OF PRESIDENT KIM IL SUNG . Foreign Languages Publishing House.

Foreign Languages Publishing House (North Korea) . (2008). Kim Jong-il’s aphorisms. Foreign Languages Publishing House. https://www.marxists.org/archive/kim-jong-il/bio/aphorisms.pdf

Snyder, S., & Park, K. A. (2022, October 25). North Korea’s Foreign Policy. Rowman & Littlefield. http://books.google.ie/books?id=mXufEAAAQBAJ&pg=PR4&dq=9781538160312&hl=&cd=1&source=gbs_api

Joo, S. H. (2016, December 5). North Korea’s Foreign Policy under Kim Jong Il. Routledge. http://books.google.ie/books?id=R7CoDQAAQBAJ&pg=PA10&dq=9780754677390&hl=&cd=1&source=gbs_api

Kirby, J. (2018, January 3). Trump taunts Kim Jong Un: my nuclear button “is a much bigger & more powerful one.” Vox. https://www.vox.com/2018/1/2/16843480/trump-taunts-kim-jong-un-nuclear-button-tweet

Pramuk, J. (2017, September 19). Trump at UN: “Rocket Man” Kim Jong Un “is on a suicide mission.” CNBC. https://www.cnbc.com/2017/09/19/trump-at-un-rocket-man-kim-jong-un-is-on-a-suicide-mission.html

Lobell, S. E. (2017, December 22). Structural Realism/Offensive and Defensive Realism. Oxford Research Encyclopedia of International Studies. https://doi.org/10.1093/acrefore/9780190846626.013.304

The July 4 South-North Joint Communiqué . (n.d.). Peachmaker UN . Retrieved December 7, 2023, from https://peacemaker.un.org/sites/peacemaker.un.org/files/KR%20KP_720704_The%20July%204%20South-North%20Joint%20Communiqu%C3%A9.pdf

Yongbyon Nuclear Research Center. (2022, March 22). The Nuclear Threat Initiative. https://www.nti.org/education-center/facilities/yongbyon-nuclear-research-center/

Al Jazeera. (2017, September 3). Timeline of North Korea’s nuclear tests. Retrieved December 15, 2023, from https://www.aljazeera.com/news/2017/9/3/timeline-of-north-koreas-nuclear-tests

French, P. (2014, May 8). North Korea . Bloomsbury Publishing.

Park. (2007, September). Military-First Politics (Songun): Understanding Kim Jong-il’s North Korea. Korea Economic Institute , 2(7).

Tenembaum, Y. J., Westcott, N., Love, J., Nougué, J., Alioua, M., & Kot, B. (2023, November 17). International Relations: It’s time to revise how we talk about revisionist powers. OxPol. Retrieved December 14, 2023, from https://blog.politics.ox.ac.uk/international-relations-its-time-to-revise-how-we-talk-about-revisionist-powers/

Rasheed. (2023, January 1). Suchak Patel asked: What are the similarities and differences between a revisionist and a rogue state? Manohar Parrikar Institute for Defence Studies and Analyses. Retrieved December 14, 2023, from https://www.idsa.in/askanexpert/differences-between-a-revisionist-and-a-rogue-state

Wan-kyu. (2001). North Korea’s new unification strategy. Asian Perspective, 25(2), 99–122.

Zagoria, D. S., & Kim, Y. K. (1975, December 1). North Korea and the Major Powers. Asian Survey, 15(12), 1017–1035. https://doi.org/10.2307/2643582

Jager, S. M. (2013, July 1). Brothers at War: the Unending Conflict in Korea.

Central Intelligence Agency (CIA) . (1961, April 5). Sino-Soviet Competition in North Korea . Retrieved December 5, 2023, from https://www.cia.gov/readingroom/docs/CIA-RDP79S00427A000600060001-7.pdf

Suh, D. S. (1995, May 25). Kim il Sung: The North Korean Leader. https://doi.org/10.1604/9780231065733

Bình luận về bài viết này

Không có bình luận nào để hiển thị.
Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia