Xung đột Nga – Ukraine kỳ thứ ba | Quan điểm của ThS. Đoàn Ngọc Anh Khoa

Khi cuộc xung đột đang dần “nguội lửa”, ít nhất là trên phương diện truyền thông, đã đến lúc để bình tĩnh và xem xét lại kĩ càng vấn đề. Trong cuộc trao đổi giữa IRYS và ThS. Đoàn Ngọc Anh Khoa – Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM), chúng mình đã nhận được phân tích từ khía cạnh luật pháp và lý thuyết chính trị học, nhận xét logic với bằng chứng đầy đủ. Mời các bạn theo dõi!

Bản chất của cuộc chiến Nga-Ukraine có thể được luận giải theo những lý thuyết nào trong chính trị học?

Để có thể đi sâu vào bản chất của cuộc chiến Nga – Ukraine, trước hết ta cần nhìn nhận những nguyên nhân cốt lõi của nó. Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một cuộc chiến tranh, xung đột. Có thể đó là một cuộc xung đột về đất đai, lãnh thổ, về địa chính trị, hoặc là về tài nguyên thiên nhiên, lợi ích kinh tế, ý thức hệ, văn hóa, tôn giáo… Các bạn phải hiểu điều này trước khi tìm hiểu sâu về vấn đề.

Trong quyển sách The Clash of Civilizations (tạm dịch: Sự va chạm giữa các nền văn minh) của Samuel P. Huntington, ông đã trình bày rất rõ ràng: Vào thế kỉ 19, những cuộc xung đột xảy ra là những cuộc xung đột quốc gia-dân tộc (nation-state conflicts) dựa trên lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên; đến thế kỉ 20 lại là những cuộc xung đột về ý thức hệ, hay còn gọi là Chiến tranh lạnh (Cold War); sang thế kỷ 21 thì các bạn có thể thấy đó là danh tính (identity), tập trung ở vấn đề văn hóa, văn minh.

Khi dùng quyển sách của Huntington nói về cuộc xung đột Nga và Ukraine thì bạn có thể thấy đây chính là vấn đề danh tính về văn hóa cũng như đi kèm với địa chính trị. Putin đã khẳng định rằng Nga tạo ra Ukraine trong thời kỳ Xô viết. Ukraine không hề có danh tính. Còn để nói về lịch sử, cô Nguyễn Phương Mai cũng giải thích rõ ràng rằng ba quốc gia bao gồm Ukraine, Belarus và Nga từng xem Kyiv là thủ đô, là “quê hương đất tổ”. Thêm vào đó, Putin biết rằng nếu Ukraine ngày càng kề cận (hay gia nhập) NATO thì cán cân quyền lực sẽ nghiêng về phía Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự an ninh của nước Nga. Đó là viễn cảnh mà Putin không muốn thấy.

Bên cạnh đó, đi đôi với vấn đề danh tính, chủ nghĩa dân tộc sẽ là một thứ đáng quan tâm. Benedict Anderson trong cuốn sách Imagined Communities (tạm dịch: Cộng đồng Tưởng tượng) đã khẳng định rằng quốc gia (nation) là một cộng đồng chính trị tưởng tượng, vừa có giới hạn vừa có chủ quyền. Quốc gia chỉ là những hiện tượng văn hóa và cảm xúc (cultural and emotional phenomena). Tương tự ở đây, chủ nghĩa dân tộc của Putin xuất phát từ một ý niệm văn hóa Kievan Rus. Nước Nga chỉ tồn tại khi và chỉ khi ba nước Belarus, Nga và Ukraine còn cùng tồn tại như một thể thống nhất. Mà ở đây hàm ý là một quốc gia.

Bản chất của cuộc chiến Nga – Ukraine có thể được soi rọi dưới lăng kính của ba trường phái lý thuyết trong chính trị học: chủ nghĩa Hiện thực cổ điển (Classical Realism), chủ nghĩa Tân Hiện thực (Neo-Realism) và chủ nghĩa Tân Hiện thực cổ điển (Neoclassical Realism). Giữa ba lý thuyết này tồn tại cả tương đồng và khác biệt, vì thế chúng có thể tương trợ lẫn nhau để đúc kết một cái nhìn toàn diện về cuộc chiến Nga – Ukraine.

Về bản chất, ba chủ nghĩa này đều cùng chung một câu nói của Thucydides, “The strong do what they can, and the weak suffer what they must” (tạm dịch: Mạnh được, yếu thua/chịu). Hay bạn có thể nghe câu “Might makes right” (tạm dịch: Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh) cũng mang một hàm ý tương tự. Về bản chất tự nhiên, chủ nghĩa Hiện thực xem bản chất ấy phải ở hình thái chiến tranh và đó là bản chất con người từ thời xa xưa như Hobbes đã đề cập trong cuốn Leviathan. Quá rõ ràng trong trường hợp Nga và Ukraine, Putin tin tưởng rằng với sức mạnh quân đội cùng vấn đề danh tính đi kèm với chủ nghĩa dân tộc sẽ cho ông ấy một lý do chính đáng để đưa quân.

Đối với chủ nghĩa Hiện thực cổ điển, chiến tranh không đơn thuần là một cuộc đánh nhau – chiến tranh chưa bao giờ đơn giản. Morgenthau (1948) cho rằng con đường ngoại giao giữa các nước với nhau chính là tranh giành/thèm khát quyền lực, dù có thể được khẳng định qua nhiều phương tiện khác nhau như đất đai, ý thức hệ, kể cả danh tính thì đều có chung mục đích là kiểm soát được một dân tộc, một quốc gia khác. Chiến tranh là chính trị, chiến tranh chỉ là chính trị và nó không mang bất kì một ý nghĩa nào khác. Chiến tranh chỉ là câu chuyện của lý trí, về việc “tôi có lợi hay hại” chứ không hề mang tính đúng sai hay cảm tính. Vì thế, theo góc nhìn của chủ nghĩa Hiện thực cổ điển, có thể thấy rằng mọi quyết định được đưa ra trong chiến tranh đều xoay quanh lợi ích cá nhân, lợi ích quốc gia hơn là tính đạo đức. Việc Putin đưa quân sẽ cho phép Nga tồn tại dưới một khối đại đồng ba nước và giữ cho cán cân quyền lực không nghiêng về phía Mỹ. Thêm vào đó, tính chính danh (legitimacy) của chính phủ Putin sẽ được nâng cao. Vấn đề tính chính danh thầy sẽ bàn ở phần hai.

Thứ hai, khi ta đi sâu thêm một bước qua chủ nghĩa Tân Hiện thực, vấn đề không còn nằm ở quyền lực mà ở việc tìm kiếm sự tồn tại của một quốc gia trong một hệ thống quốc tế đang “vô chính phủ” (anarchy). Waltz nhấn mạnh rằng trong một nơi vô chính phủ thì quốc gia (state) phải tự tìm cách đảm bảo vấn đề an ninh cho chính bản thân (self-help). Tình trạng lưỡng nan về an ninh (security dilemma) đang xảy ra. Và điều này khiến Putin buộc lòng phải tiến hành chạy đua vũ trang khi Ukraine đang muốn gia nhập NATO, trở thành một đồng minh của Mỹ là điều mà Putin không muốn thấy, bởi sự tồn tại của quốc gia thân cận với “kẻ thù” nằm ngay sát đường biên giới có thể ảnh hưởng đến an ninh của bản thân quốc gia đó bất cứ lúc nào.

Đi ngoài lề một chút, có nhiều bạn học môn Đàm phán có hỏi rằng tại sao đàm phán giữa Nga và Ukraine liên tục thất bại. Ở đây, ta có thể giải thích câu hỏi này khi đi kèm với chủ nghĩa Tân Hiện thực. Có nhiều lý do song có 5 lý do chính: (1) Tình trạng vô chính phủ, (2) Lợi ích có được từ chiến tranh sẽ nhiều hơn thay vì chiến phí (Expected costs of war); (3) Chiến tranh phòng ngừa chiến lược (Rational preventive war) – ra tay trước khi cán cân quyền lực thay đổi; (4) tính toán sai lầm (miscalculation) vì thiếu thông tin; và (5) phản ứng thái quá (overreaction). Rõ ràng ở đây, Putin tự tin rằng mình sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn. Ông ấy cho rằng các nước châu Âu và Hoa Kỳ sẽ không dám làm gì, trong khi Ukraine chỉ có Giác ước với Mỹ và Vương quốc Anh, chưa có một hiệp ước nào chính thức với Mỹ hoặc NATO. Ông ấy tự tin với nền kinh tế Nga mà do chính bản thân ông ấy gầy dựng cùng với sản lượng dầu khổng lồ. Việc Ukraine từ trước đến giờ vẫn chưa thực sự là một đồng minh của châu Âu khiến Putin nghĩ rằng ông sẽ thắng nhưng không ngờ các nước châu Âu hiện tại đồng loạt đứng lên cấm vận nước Nga.

Thứ ba, trong chủ nghĩa Tân Hiện thực cổ điển, Mearsheimer đã đưa ra thuyết chủ nghĩa Hiện thực Tấn công (Offensive Realism) với năm mệnh đề: thế giới đang ở trong tình trạng vô chính phủ; nước lớn sở hữu quân đội mạnh; trạng thái không chắc chắn (uncertain) về chủ đích (intention) của các nước khác; sự tồn vong (survival) là mục đích duy nhất; và cuối cùng, các nước lớn bao giờ cũng là những nhân tố lý tính, chỉ có lợi hoặc hại chứ không có chuyện đúng sai. Gần đây, bạn nào đã đọc một bài của Mearsheimer về vấn đề này thì sẽ thấy rằng ông ấy cho rằng chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra là do việc bành trướng về phía Đông Âu của NATO đang làm nước Nga cảm thấy mất an toàn. Để có một góc nhìn khách quan và đa chiều, thầy sẽ tiến hành phản biện bài viết của Mearsheimer như sau.

Thầy đồng ý với Mearsheimer ở một số luận điểm sau. Việc bành trướng của NATO về phía Đông Âu là một lý do chính đáng làm Nga phải e ngại cho an ninh quốc gia. Vào năm 2004, Nga đã mất các đồng minh sân nhà ở vùng Baltic về tay NATO và Liên minh châu Âu. Như một giọt nước tràn ly, năm 2008, NATO còn tuyên bố rằng Georgia và Ukraine sẽ sớm được xem xét kết nạp. Như thầy đã đề cập ở trên, liệu Nga có chấp nhận một quốc gia thân NATO hay Liên minh châu Âu nằm ngay sân sau? Quá nguy hiểm rồi! Vấn đề này đã từng được Boris Yeltsin khẳng định trong bài phát biểu năm 1995 rằng việc bành trướng của NATO chỉ đang là một mồi lửa gây ra chiến tranh khắp châu Âu. Sở dĩ thời điểm đó, Nga chưa có hành động cụ thể vì sự sụp đổ của Liên bang Xô viết cũng như kinh tế, quân sự còn yếu kém. Đâu phải không mà Nga mở cuộc chiến quân sự với Georgia năm 2008 và chiếm bán đảo Crimea năm 2014 (sau cuộc biểu tình Euromaidan). Cuối cùng, Mearsheimer đã nói đúng, có thể các quốc gia xem việc kết nạp thành viên hay tập trận chỉ là một vấn đề “nhỏ nhoi”. Song, một số quốc gia khác liệu có nghĩ vậy? Giáo sư Robert Jervis nói khá xác đáng khi ông dùng từ “benign”!

Một số điểm thầy không đồng ý. Thứ nhất, Mearsheimer có xem xét đến quan điểm của các nước Đông Âu hay chưa? Các nước vùng Baltic có nguyện vọng thoát Nga và hi vọng gia nhập NATO không phải sao? Ukraine cũng là một ví dụ rõ ràng qua một số bài phát biểu của Tổng thống Zelensky. Muốn có một góc nhìn khách quan, chúng ta phải nhìn theo góc nhìn của những lãnh đạo liên quan trong một cuộc chiến hay xung đột. Chính Giáo sư Robert Jervis đã đề cập đến điều này trong cuốn sách How Statesmen Think: The Psychology of International Politics (tạm dịch: Suy Nghĩ của Các Chính Khách: Tâm Lý Học của Chính Trị Quốc Tế). Còn đơn giản hơn thì chúng ta dùng một câu nói mà bạn hay nghe “Không có bạn bè mãi mãi, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là trên hết”.

Thứ hai, cuộc chiến tranh này bắt buộc phải xảy ra. Nhiều học giả, kể cả thầy, từng dự đoán vấn đề này từ năm 2016-2017. Việc bành trướng của NATO chỉ được xem như “giọt nước tràn ly”. Một chính phủ toàn trị (autocratic regime) muốn tồn tại và ổn định thì nó cần phải có tính chính danh đầu ra (output legitimacy) – tính hiệu quả của chính sách chính trị và bản sắc tập thể (collective identity). Vấn đề này sẽ nói chi tiết ở câu hai nhé!

Điều thiếu sót cuối cùng mà Mearsheimer không đề cập là tham vọng đem nước Nga trở về thời quá vãng (thời Xô viết). Chính G. Lowes Dickinson, người đã đặt nền móng cho thuyết Hiện thực Tấn công, cho rằng chiến tranh xảy ra bởi vì tham vọng thống trị một vùng hay khu vực (regional domination) của một quốc gia trong một môi trường “vô chính phủ”. Khi và chỉ khi trở thành bá chủ vùng hay khu vực thì lợi ích của quốc gia ấy sẽ được đảm bảo. Mearsheimer đã bỏ sót điều này!

Mở rộng ra, các lý thuyết trên cũng có thể phần nào làm sáng tỏ vai trò của vũ khí hạt nhân trong quyết định của Tổng thống Putin. Một mặt, khi một quốc gia bị đẩy đến đường cùng, họ không còn bất cứ một vũ khí nào khác thì buộc họ phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân. Mặt khác, đây là một quyết định không hề dễ dàng. Trước khi sử dụng, các nhà lãnh đạo phải tính được hệ quả để lại và trả lời được câu hỏi “liệu những nước khác có loại vũ khí đó hay không?”. Nếu cả hai bên “chiến tuyến” cùng sở hữu vũ khí hạt nhân thì cuối cùng cả hai đều không có lợi. Cả chủ nghĩa Hiện thực, Tân Hiện thực và Tân Hiện thực cổ điển đều tập trung vào lợi ích, nên theo đó khả năng Putin sử dụng vũ khí hạt nhân là rất thấp vì hệ quả để lại quá lớn, có thể tổn hại đến lợi ích quốc gia. Kenneth Waltz giải thích rất rõ ràng vì sao chúng ta chỉ có từ “Chiến tranh lạnh” chứ không hề có từ “Chiến tranh nóng”, vì hai siêu cường (Mỹ và Liên Xô) thời điểm đó biết rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây thiệt hại nặng nề và suy cho cùng, không quốc gia nào là có lợi. Thực tế hiện nay đang chứng minh rằng Nga đang tìm kiếm thêm vũ khí quân sự từ Trung Quốc và tận dụng lính đánh thuê cũng như liên tục cáo buộc Hoa Kỳ đã hỗ trợ Ukraine sản xuất vũ khí sinh học tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thầy có thể đưa ra nhận định về những nét tương đồng và khác biệt về bản chất, động cơ trong cuộc chiến lần này và các cuộc chiến do Nga từng phát động hoặc tham gia trong quá khứ, chẳng hạn như chiến tranh Nga – Georgia năm 2008, cuộc xâm lược Crimea vào năm 2014…?

Trước khi trả lời câu hỏi này, thầy cần phải chia sẻ thêm một chút về nền chính trị nội tại của Nga, cụ thể là chính phủ toàn trị ở đất nước này. Thông thường, để có thể tồn tại, một chính phủ thường dựa vào tính chính danh đầu vào (procedural/input legitimacy), nghĩa là sự ủng hộ của mọi người đối với người lãnh đạo. Thế nhưng, chính phủ toàn trị ở Nga lại không quan tâm nhiều đến sự chấp nhận này vì họ có thể sử dụng những biện pháp đàn áp bạo lực hay khống chế truyền thông như họ mong muốn. Thay vào đó, chính quyền Putin tồn tại dựa vào hai yếu tố khác, đó là tính chính danh đầu ra (performance/output legitimacy) và tính chính danh ý thức hệ (ideological legitimacy). Vì thế, chính quyền Putin chỉ đáp ứng một số yêu cầu của người dân đối với chính phủ. Thêm vào đó, Putin còn thay đổi Hiến pháp theo chiều hướng có lợi cho ông ta. Điều này khiến người dân dần cảm thấy bất bình đối với sự quản trị và điều hành của Putin. Thế nên, để duy trì được quyền lực, Putin buộc phải sử dụng đến tính chính danh đầu ra và tính chính danh ý thức hệ, đồng nghĩa với việc phải đem quân đi đánh các nước khác hay gây ra các cuộc xung đột nghi binh (diversionary conflict) để khẳng định quyền lãnh đạo của mình. Chính sách “đẩy lửa” ra ngoài đã được Nga sử dụng triệt để và tương tự với chính sách Trung Quốc hay sử dụng.

Quay lại với câu hỏi, điểm khác nhau giữa các cuộc chiến trên là gì? Trong những cuộc chiến được phát động ở Nga, Georgia hay Crimea trước đây, tinh thần dân tộc vẫn tồn tại nhưng đến thời điểm hiện tại thì nó không còn nhiều nữa, chí ít là đối với bộ phận dân chúng. Còn chủ nghĩa dân tộc của chính bản thân Putin thì vẫn còn nguyên vẹn hay chỉ ngày càng trở nên cực đoan. Cuộc chiến tranh với Ukraine hiện nay chỉ phục vụ cho bản thân Putin và chính quyền toàn trị của ông mà thôi. Trước đây, khi nền kinh tế Nga vẫn ổn định, người dân vẫn tin tưởng vào mọi chính sách của Putin, và ông ấy sẽ sử dụng chủ nghĩa dân tộc để áp dụng vào mọi chính sách ban hành. Còn hiện tại, đối với Ukraine, Putin không thể sử dụng điều đó được nữa, dưới áp lực của sự cấm vận, nền kinh tế nước Nga ngày càng suy yếu, cuộc sống khó khăn khiến người dân không thể tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Putin được nữa. Các cuộc biểu tình của người Nga trên toàn thế giới và sự xâm nhập của hacker vào hệ thống truyền thống Nga đã làm cho bộ phận dân chúng Nga đang dần “tỉnh mộng”.

Một ví dụ khác là dưới chính thể Wilhelmine hay Đế quốc Đức (Đế chế thứ hai), việc chuyển dời các xung đột nội tại hay “đẩy lửa” ra ngoài cũng từng xảy ra. Nó được gọi là Weltpolitik – để tránh phong trào dân chủ hóa sẽ xảy ra. Tương tự là cuộc tấn công của Argentina vào quần đảo Falkland năm 1982 sau khi có những cuộc biểu tình đòi chấm dứt chính quyền quân sự tại chính đất nước này.

Còn nói về sự tương đồng, như thầy đã nói ở trên, thầy đồng ý với Mearsheimer ở vấn đề sự bành trướng của Đông Âu. Ngoài ra, còn một điểm tương đồng nữa. Theo Steven Levitsky và Lucan Way (sau này bạn nào học môn Chính trị học So sánh sẽ hiểu), chính thể nước Nga có thể xem như là chính phủ độc tài cạnh tranh (competitive authoritarianism). Nước Nga vẫn tổ chức những cuộc bầu cử mặc dù chúng gian lận và không xác đáng. Đảng Putin luôn luôn thắng đa số hoặc áp đảo dù muốn hay không? Vì vậy, tính chính danh đầu vào của chính quyền Putin rất yếu. Tính chính danh đầu ra được Putin sử dụng triệt để – chính sách kinh tế và chính sách an sinh-xã hội. Putin đã thành công vực dậy một nước Nga rệu rã. Người ta vẫn còn ủng hộ Putin vì chính những điều này!

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng và vấn đề kinh tế vẫn còn những bất cập. Điều này dẫn đến việc Putin phải sử dụng tính chính danh ý thức hệ thông qua những cuộc chiến nghi binh như cuộc chiến Chechnya lần hai (khi Putin đang làm Thủ tướng), Georgia, và Crimea. Sau mỗi lần tiến hành các chiến tranh này, tỉ lệ ủng hộ Putin lại cao hơn (88%-90%).

Vì sao trước khi triển khai “chiến lược quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Putin đã nỗ lực viện dẫn “quyền tự vệ” dựa trên Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để tạo cơ sở pháp lý chính đáng cho hành động của mình?

Ở đây, thầy cung cấp cho các bạn hai góc nhìn. Một góc nhìn đến từ công pháp quốc tế và góc nhìn chính trị – quan hệ quốc tế.

Công pháp quốc tế:

Điều 4 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định cấm sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết các mâu thuẫn quốc tế. Tuy nhiên, Điều 51 sẽ được viện dẫn để biện minh (justification) cho phép sử dụng vũ lực nhằm mục đích tự vệ với điều kiện: quốc gia thực hiện quyền tự vệ phải là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang; tự vệ phải tương xứng với hành vi tấn công và phải thông báo cho Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.

Khi Nga ra tuyên bố thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Hội đồng Bảo an ban hành một Nghị quyết phản đối (11/15 phiếu thuận, Trung Quốc, Ấn Độ và UAE bỏ phiếu trắng, 1 phiếu chống). Hoa Kỳ cũng đã cố gắng sử dụng ngôn từ “nhẹ nhàng” trong bản Nghị quyết nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc. Song, nghị quyết sẽ không được thông qua khi một quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu chống. Và Nga đã bỏ phiếu chống!

Vậy việc Nga có thể tấn công Ukraine với lời biện minh nhằm mục đích tự vệ chăng? Đến hiện nay, Ukraine chưa gây ra bất cứ tổn hại nào cho an ninh Nga. Bên cạnh đó, Nga nhấn mạnh Nga cần can thiệp để bảo vệ người dân vùng ly khai Donetsk và Luhansk do Putin hậu thuẫn. Điều này có vẻ bất hợp lý vì Nga can thiệp nhằm ngăn cản sự mở rộng của NATO về phía Đông. Đây là lợi ích cho Nga hay Ukraine?

Hành vi tự vệ phủ đầu (preemptive self-defence) của Nga trong trường hợp này lại càng bất hợp lý. Khái niệm này do Mỹ đưa ra sau sự kiện 11.9.2001 nhằm mở đường cho quân đội Mỹ can thiệp vào các nước khủng bố thông qua Điều 51. Trong trường hợp của Nga, việc Ukraine tham gia NATO sẽ ảnh hưởng đến an ninh của Nga. Song, Ukraine chưa tham gia và đơn chưa phê chuẩn thì tấn công phủ đầu có mang tính chính danh?

Chính trị – Quan hệ quốc tế

Dưới góc nhìn chính trị, có hai khái niệm mình cần phải biết là luật cứng (hard law) và luật mềm (soft law). Luật cứng được hiểu là Hiến chương, hiệp ước, hiệp định hay tập quán của một tổ chức mà khi một quốc gia tham gia, bắt buộc quốc gia ấy phải tuân theo. Còn luật mềm thì liên quan đến nghị quyết, tuyên ngôn hay một bài phát biểu trên hội nghị quốc tế về một vấn đề nào đó, không mang tính cưỡng buộc.

Nói về Liên Hợp Quốc (tiền thân là Hội Quốc Liên – League of Nations), đây là tổ chức quốc tế được tạo ra nhằm giải quyết xung đột, ngăn cản những cuộc chiến tranh không đáng có. Khi một quốc gia tham gia Liên Hợp Quốc, họ phải tuân theo Hiến chương (luật cứng) của tổ chức này. Nếu không, họ sẽ đánh mất danh tiếng trên trường quốc tế, hoặc phải trở thành quan sát viên, không còn tiếng nói ở các hội nghị. Hiểu rõ quyền lực của luật cứng, Putin đã viện dẫn Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để nâng cao tính chính danh cho hành động của mình và cho cuộc chiến, để từ đó ông có thể phát động tấn công mà không vướng phải chỉ trích.

Tuy nhiên, thầy cũng muốn mở rộng cho các bạn. Nói về nghị quyết tại phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 1/3, như thầy đã nói, nghị quyết này chỉ được xem là luật mềm và thường không có tính cưỡng buộc. Thế nhưng, nếu nhiều thành viên lên tiếng ủng hộ, thì nghị quyết (luật mềm) lại có thể trở thành luật cứng. Vậy nên, có thể nói các tổ chức quốc tế đang sử dụng cả luật cứng và luật mềm để chống lại Putin. Chiếu theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc (luật cứng), đây không phải là quyền tự vệ của ông ấy, nói đúng hơn là Putin đã đi xâm lược nước khác mà không hề có lý do chính đáng. Còn đứng trên khía cạnh các nghị quyết (luật mềm) thì đang ngày càng nhiều quốc gia phản đối cuộc chiến do Putin phát động.

Trong quá khứ, Hoa Kỳ cũng đã sử dụng ngôn ngữ pháp lý để biện minh cho hành động quân sự xâm lược Iraq vào năm 2003. Tại sao cộng đồng quốc tế khi đó lại dễ dàng chấp nhận hành động đó của Hoa Kỳ, ít chỉ trích hơn so với cuộc chiến lần này của Putin?

Hoa Kỳ thì lại là một trường hợp khác. Có hai thứ mà các bạn phải nhớ, khi Nga đi xâm lược, Nga không hề mang một giá trị nào, trong khi Hoa Kỳ lại mang giá trị về nhân quyền. Hoa Kỳ đã đảm bảo mọi thứ về con người, nhân quyền nên thế giới không thể lên tiếng chỉ trích hành động của Hoa Kỳ. Thứ hai, Mỹ là siêu cường đã đóng góp cho tổ chức Liên Hợp Quốc rất nhiều, không chỉ với tư cách quốc gia mà còn thông qua tập đoàn tư nhân, cá nhân (private actors) nên dĩ nhiên, quốc gia này sẽ có tiếng nói và quyền lực nhiều hơn trong tổ chức. Có thể trước đó, Mỹ chưa có tính chính danh rõ ràng nhưng qua vụ khủng bố 11.9.2001, Mỹ hoàn toàn có quyền tự vệ chính đáng, cộng với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, thế giới buộc lòng phải đồng ý với hành động này của Mỹ. Và Mỹ đã viện dẫn hành vi tự vệ phủ đầu (preemptive self-defence) như thầy đã nói ở trên!

Quan điểm của thầy về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao mà phương Tây đã và đang áp đặt lên nước Nga, so với việc trực tiếp can thiệp quân sự?

Đây được xem là hình thức ngoại giao cưỡng buộc (coercive diplomacy), ép người khác phải dừng hành động của mình lại. Vì chưa có một tính chính danh nào để có thể đem quân giúp đỡ Ukraine nên Mỹ chỉ có thể sử dụng những hành động cấm vận. Cách làm này vừa có thể giúp Mỹ bảo vệ tên tuổi, vừa cho các nước thấy động thái phản ứng mạnh mẽ.

Vậy tại sao Mỹ lại không dùng đến nhân quyền? Vì hiện tại số lượng người chết chưa nhiều. Các bạn nên hiểu rằng, không phải tự nhiên mà Toà án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court) lại điều tra Putin. Tất cả đều nằm trong sự tính toán của Mỹ. Một khi Toà án Hình sự Quốc tế đưa ra những bằng chứng hợp lý để luận tội Putin, Mỹ sẽ có được tính chính danh để đem quân giúp Ukraine. Hiện tại đây là chiêu bài duy nhất Mỹ có thể sử dụng.

Còn vấn đề về cuộc chiến kinh tế, các nước phương Tây đang gây áp lực lên Nga. Giống như Mỹ, họ không thể đưa quân vào giúp đỡ Ukraine được vì Ukraine không thuộc Liên minh châu Âu. Họ chỉ có thể dốc hết sức lực về kinh tế để áp chế Nga, vì lo sợ rằng Putin sẽ trở thành một Hitler thứ hai. Họ sử dụng chiêu bài này để gây mâu thuẫn từ bên trong, khiến người dân bất mãn với Putin từ đó làm lung lay tính chính danh của vị Tổng thống này. Và rõ ràng, một chính phủ dân chủ được tái lập tại Nga là điều Mỹ muốn thấy nhất. Theo như thuyết Dân chủ Hòa bình (Democratic Peace Theory) của Doyle, các nước dân chủ thì hiếm khi gây chiến với nhau. Mỹ vẫn là một “con cáo già” không phải sao?

Việc Nga xâm lược Ukraine có thể ảnh hưởng đến chính sách mở cửa về phía Đông của NATO như thế nào trong tương lai?

Chắc chắn là có ảnh hưởng, nhiều nữa là đằng khác. Đối với tình hình hiện tại thì Mỹ buộc phải xoay trục về châu Âu, phải mở rộng về phía Đông vì Nga đang gây ra một động thái quá nguy hiểm cho các đồng minh của Mỹ. Nếu Mỹ không có một động thái rõ ràng thì thứ nhất, Mỹ sẽ mất đi vị trí siêu cường và thứ hai Mỹ sẽ không thể bảo vệ đồng minh không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á. Vấn đề là Putin đã đi một bước đầy nguy hiểm so với vụ Crimea, tiến thẳng vào Ukraine và đó là điều mà Mỹ không thể chấp nhận được, buộc Mỹ phải mở rộng về phía Đông. Hiện tại, Liên minh châu Âu phải đi trước, sau đó tạo đà rồi mới đến NATO. Song, NATO đi như thế nào thì thầy cần thêm bằng chứng?

Thầy có thể đưa ra một số nhận xét về vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh thế giới thông qua chiến tranh Nga – Ukraine không ạ?

Như thầy nói với các bạn, một tổ chức quốc tế được chia thành ba dạng, nghĩa là nó có ba góc nhìn để các bạn có thể bàn luận. Thứ nhất, nó được xem như là một nơi đưa ra luật quốc tế, như một tổ chức độc lập, có các thành viên và tách biệt khỏi các quốc gia. Thứ hai, tổ chức quốc tế được xem như một diễn đàn (forum), nơi mọi người có thể thảo luận với nhau. Cuối cùng, tổ chức quốc tế được lập ra như một nguồn tài nguyên chính trị (political resource), có nghĩa là các quốc gia sẽ sử dụng những tổ chức quốc tế này như một tiền đề để phục vụ cho mục đích của bản thân.

Dựa vào lý thuyết đó, thầy có thể thấy trong cuộc chiến Nga – Ukraine, Liên Hợp Quốc trước hết đóng vai trò là nơi đưa ra luật pháp quốc tế, sử dụng cả luật cứng (hard law) và luật mềm (soft law) để giải quyết vấn đề. Hơn nữa, các quốc gia đang dùng Liên Hợp Quốc như một phương tiện để phản đối sự trỗi dậy của Nga. Dù Liên Hợp Quốc thật sự cần phải cải cách nhưng nhìn chung tổ chức này vẫn có cơ sở tốt đẹp cũng như ràng buộc rõ ràng hơn so với Hội Quốc Liên và đây vẫn là một nguồn lực có thể tin tưởng được để duy trì nền hòa bình thế giới.

Việt Nam có thể rút ra bài học nào từ cuộc chiến tranh Nga và Ukraine?

Thực sự, Việt Nam đã có một hành động đúng đắn khi bỏ phiếu trắng cho nghị quyết tại phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 1/3. Như các bạn thấy, trước khi bỏ phiếu trắng, Việt Nam đã có một bài phát biểu đanh thép. Là một nước nhỏ, chúng ta nằm ở thế khó vì có những hợp đồng kinh tế với Nga, cũng có những mối quan hệ ràng buộc với Trung Quốc nên không thể đưa ra sự đồng ý được. Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ những hậu quả của chiến tranh để lại nên buộc ta phải bỏ phiếu trắng. Phiếu trắng ở đây đồng nghĩa với việc là chúng ta đang phản đối hành động của Nga nhưng cũng muốn bảo vệ lợi ích kinh tế với Nga. Vậy Việt Nam có thể rút ra những kinh nghiệm gì từ cuộc chiến này?

Thứ nhất, Việt Nam cần phải bảo đảm được hệ thống quân sự, cần phải cải cách và hiện đại hóa để có thể sẵn sàng trong mọi tình huống. Nhưng để nói đến trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam thì chưa có khả năng, vì nếu muốn thì Trung Quốc phải làm với Đài Loan, một đất nước mang kết nối lịch sử với Trung Quốc nhiều hơn so với Việt Nam. Thứ hai, ta cần phải rõ ràng hơn, dùng luật quốc tế để viện dẫn nhiều hơn, đi những bước đi chặt chẽ hơn trong vấn đề Biển Đông. Tất nhiên trong những năm qua ta đã làm rồi, nhưng cần mạnh hơn nữa, vẫn có mềm mỏng nhưng phải khẳng định được chủ quyền của ta. Thứ ba, Việt Nam cần phải thúc đẩy Trung Quốc đưa ra COC (Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông), giải quyết vấn đề Biển Đông, buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán và tuân theo luật quốc tế. Khi đó ta mới có được tính chính danh và Trung Quốc không thể làm gì được. Cuối cùng, Việt Nam cần làm cho giới trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam, về bản chất của những cuộc chiến tranh. Nếu ta có thể đáp ứng được những điều đó, thì dù là nước nhỏ, Việt Nam có thể đứng vững trước Trung Quốc, đi cẩn thận từng bước để không xảy ra những hiểu lầm dẫn đến tình trạng như Ukraine hiện nay.

Mời bạn đọc toàn bộ chuỗi bài viết Xung đột Nga – Ukraine của IRYS tại đây.

Bình luận về bài viết này

Không có bình luận nào để hiển thị.
Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia